Làm chủ cả một khu vực nuôi tôm thâm canh rộng lớn, tuy nhiên Công ty Tiến Đạt lại có cách xử lý nước, chất thải chẳng giống ai khiến cho hàng trăm hộ dân xã Thịnh Lộc hết sức bức xúc.
Nước thải bao vây, dân ngán ngẩm chịu trận
Theo phản ánh của những người dân xã Thịnh Lộc thì khu vực nuôi tôm của Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Đạt bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015, đến nay đã được 3 năm, và cũng chừng ấy thời gian, người dân trong xã phải sống chung với nước thải và mùi hôi thối bốc ra từ khu vực nuôi tôm của doanh nghiệp này.
Cũng theo người dân, khi mới đi vào nuôi trồng mùi hôi thối có nhưng không đáng kể, tuy nhiên hai năm gần đây mùi hôi phát ra từ khu vực nuôi tôm ngày càng trở nên nồng nặc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là với các hộ thuộc hai thôn Yên Định và Hồng Thịnh.
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực nuôi tôm sinh học của doanh nghiệp Tiến Đạt, nước hồ nuôi có màu đen kịt, sủi lốm đốm bọt trắng, phủ một lớp váng màu vàng, đặc quánh, tôm chết nổi trắng, mùi hôi thối xộc lên cực kỳ khó chịu.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là toàn bộ lượng nước thải và chất thải của các hồ nuôi tôm nói trên lại được doanh nghiệp này xả thẳng trực tiếp ra kênh thoát nước của người dân nơi đây mà không hề qua công đoạn xử lý nào.
Điều này đã khiến cho kênh thoát nước của thôn Hồng Thịnh (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) luôn trong tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, cá chết nổi lềnh bềnh, đặc biệt là vào những buổi chiều nắng nóng, xác cá chết trôi dạt và mắc kẹt vào hai bên bờ kênh.
Bà Lê Thị Lan (thôn Hồng Thịnh) cho biết: cơ sở nuôi tôm thường xả thải vào ban đêm, sáng sớm nên buổi sáng nước theo kênh ngập lấn rất sâu vào diện tích trồng hoa màu của các hộ liền kề, khiến cho bà con dù bỏ công gieo trồng mà lại chẳng được thu hoạch bởi sau một thời gian số diện tích hoa màu bị chất thải xâm thực đều chết hết.
Còn về không khí thì không nói hết, mùi hôi thối bốc lên từ các hồ nuôi tôm, từ nước xả thải đọng ở kênh khiến cho chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, đặc biệt là về mùa hè nắng nóng và khi thủy triều lên, gió biển lộng vào đẩy mùi hôi thối len lỏi vào tận cùng thôn xóm khiến ai nấy đều cảm thấy ngột ngạt, khó chịu hết sức, nhiều khi không thở nổi. Bà Phan Thị Nhuận (cùng trú tại xóm Hồng Thịnh) cho biết thêm.
Dùng “vòi bạch tuộc” tống chất thải ra biển
Theo phản ánh của người dân, việc xả thải không qua xử lý của doanh nghiệp nuôi trồng tôm Tiến Đạt đã tồn tại từ mấy năm nay với mức độ ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, nếp sống sinh hoạt của bà con nơi đây mà còn khiến nước biển vùng này bị ô nhiễm nặng nề.
Theo đó, nước và chất thải từ hệ thống hồ nuôi tôm của công ty này sau khi xả ra sẽ theo kênh vượt qua kè chắn sóng và chảy luồn ra biển, tạo thành những rãnh, vũng nước thải ứ đọng chạy dọc theo thân kè với chiều dài lên tới hàng trăm mét.
Theo quan sát của phóng viên, tại những rãnh vũng này, nước nổi váng màu xanh lục và chất thải quánh lại thành từng mảng rêu đen sì, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến cho ai đi qua đoạn đê kè này đều phải bịt kín mũi, miệng. Những ngày gần đây, công ty cho người rải vôi xuống những rãnh, vũng nước thải ứ đọng này nhưng tình hình chẳng cải thiện được là bao.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, vừa qua doanh nghiệp này còn cho người lắp đặt cả một hệ thống đường ống xả thải lớn, dài hàng trăm mét chạy dọc theo kênh nước và xuyên thẳng ra gần sát mép biển khiến người dân địa phương hết sức hoang mang, bất bình.
Tại miệng ống xả, nước thải cũng có màu xanh lục và bốc mùi hôi thối nồng nặc, dòng thải xoáy sâu tạo thành luồng rãnh khổng lồ in hằn trên bờ biển khiến cho bất kỳ ai trông thấy cũng phải giật mình kinh sợ.
Ông Lê Doãn Hạng (thôn Hồng Thịnh) chia sẻ: Trước đây, công ty này cho xả thải tự do ra kênh thoát nước của thôn, nước thải theo kênh chảy men ra biển. Tuy nhiên, gần đây khi bị người dân địa phương phản ánh vì mùi hôi thối từ nước đọng trong kênh và ở các rãnh, vũng bốc lên quá nặng nề, công ty Tiến Đạt đã cho lắp hệ thống đường ống xả thải này.
Cũng theo phản ánh của người dân hai thôn Hồng Thịnh và Yên Định thì kể từ khi khu vực nuôi tôm này đi vào hoạt động và xả thải tự do, người dân nơi đây không còn ra biển hóng gió mỗi chiều, trẻ em cũng không dám tắm biển nữa vì sợ nước biển bẩn sẽ gây dị ứng, viêm nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo ghi nhận của phóng viên thì hồ chứa nước thải của doanh nghiệp Tiến Đạt đã bị vỡ một mảng bờ bao khá lớn, khiến cho lưu lượng nước và chất thải tràn ra rất nhiều và khó kiểm soát, mực nước trong kênh cũng đầy hơn những ngày bình thường.
Cũng trong sáng cùng ngày, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở TNMT, Phòng CSMT (Công an Hà Tĩnh), huyện lộc Hà… đã đến công ty kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.
Hành vi xả thải tự do của cơ sở nuôi trồng tôm Tiến Đạt đã diễn ra suốt một thời gian dài, gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, môi trường biển khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc. Họ đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền cơ sở nhưng hầu như mọi ý kiến đều bị phớt lờ.
Bản thân công ty Tiến Đạt cũng từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 70 triệu đồng vào năm 2017 vì lỗi vi phạm nghiêm trọng về công tác bảo vệ môi trường, ngang nhiên xả chất thải bẩn trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên đâu lại vào đấy, sau khi xử phạt, tình trạng xả thải tự do của doanh nghiệp này không những không ngưng giảm mà thậm chí còn có dấu hiệu tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn.
Xung quanh vấn đề này, người dân xã Thịnh Lộc nói chung và đặc biệt là các hộ dân thuộc hai thôn Yên Định và Hồng Thịnh đều cho rằng các cơ quan chức năng cần có biện pháp chẩn chỉnh và xử lý nghiêm minh hơn nhằm buộc cơ sở nuôi trồng tôm của Công ty Tiến Đạt phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ an toàn môi trường sống của người dân cũng như sự trong sạch của môi trường biển.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đi sâu tìm hiểu vấn đề này và phản ánh tới độc giả ở những kỳ tiếp theo.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại hiện trường: