Việc các ngân hàng thương mại hy sinh lợi nhuận không phải là một "nhiệm vụ bất khả thi", và điều này có thể mở ra một cánh cửa mới, ngăn nền kinh tế lao dốc...
“Nếu thời gian giãn cách kéo dài quá lâu và không có các chính sách ứng phó kịp thời, thì cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 sẽ gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế”. Đó là đánh giá của TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ ra sao?
Theo vị TS, đây là một cuộc khủng hoảng kép tác động đến toàn bộ các thành phần của nền kinh tế, từ khu vực sản xuất hàng hóa dịch vụ (phía cung) đến khu vực tiêu dùng (phía cầu). Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng đột biến, đặc biệt là thất nghiệp tự nhiên, kéo theo sản lượng tiềm năng của nền kinh tế sẽ giảm. Từ đó dẫn đến nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ bị suy thoái tạm thời.
“Tuy nhiên, cuộc suy thoái lần này khá đặc biệt, nó là một cuộc suy thoái có chủ đích. Thông thường trong các cuộc khủng hoảng khác, các Chính phủ không thể kiểm soát được suy thoái có xảy ra hay không. Nhưng lần này, các Chính phủ để suy thoái xảy ra có mục đích để ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chính phủ Việt Nam đã nhận ra điều này để có sự chủ động điều hướng hiệu quả hơn, tương đồng với “mục tiêu kép” đang hướng đến: Tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn đại dịch. Điều này khác với năm 2020, khi các Chính phủ trên thế giới thường chọn mục tiêu ngăn chặn đại dịch và để suy thoái xảy ra có mục đích, khi họ áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách”, TS. Bùi Duy Tùng nêu quan điểm.
TS. Bùi Duy Tùng nhận định, từ góc nhìn trên, năm 2021, các Chính phủ sẽ chủ động hơn khi ứng phó với cuộc suy thoái này. Đồng nghĩa với việc, một khi Chính phủ để suy thoái xảy ra, họ sẽ có được vị thế chủ động trong việc ban hành các chính sách đối phó. Các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ được linh hoạt ban hành, để chống lại suy thoái. Các chính sách này thường hướng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đủ sức khỏe để vượt qua đại dịch.
Một điều đáng chú ý khác, trong bất kỳ cuộc chiến nào, “thương vong” là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất có thể sẽ không xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam, do các chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá nhận định về tình hình kinh tế, vĩ mô để có những quyết sách kịp thời hiệu quả. Đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ năm 2021, NHNN đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm.
Dù vậy, đến lúc này, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế vẫn đang kêu gọi các ngân hàng thương mại hy sinh lợi nhuận để tài trợ cho các khoản vay giá rẻ, cắt giảm phí, hoãn trả khoản vay và cấp thêm các khoản vay không có bảo đảm, nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại trong thời kỳ suy thoái đang leo thang.
Việc các ngân hàng thương mại hy sinh lợi nhuận không hẳn là "nhiệm vụ bất khả thi". Bởi tuy có rủi ro trung hạn là sự ổn định tài chính với các ngân hàng sẽ thiếu một bộ đệm trang trải các khoản nợ xấu đang gia tăng, nhưng mặt khác điều này lại có thể mở ra một cánh cửa mới, ngăn nền kinh tế lao dốc.
Nếu nhiều công ty nhỏ có thể vượt qua những khó khăn, hàng triệu công việc sẽ được cứu, điều này quan trọng hơn nhiều đối với Việt Nam vào thời điểm này, và Chính phủ đang nỗ lực hết sức để bảo vệ nền kinh tế cũng như thị trường việc làm trong nước, vị chuyên gia đánh giá.
Giải pháp nội tại
Do mức độ và chiều hướng tác động của COVID-19 lên các ngành có sự khác nhau, nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Bên cạnh sự chia sẻ cần thiết từ phía ngân hàng, về tổng thể, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược thích ứng tuỳ vào từng hoàn cảnh, năng lực và sự chuyển động của thị trường cũng như dịch bệnh.
Đại diện Ernst & Young Việt Nam đã nêu ra 3 nhóm giải pháp lớn để các doanh nghiệp có thể vận dụng, đó là:
Thứ nhất, tập trung quản lý khủng hoảng và quản lý thanh khoản. Ví dụ, thiết lập đội phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề bất thường phát sinh về an toàn lao động, nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất. Đây là cách làm hiệu quả mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng.
Việc quản lý thanh khoản yêu cầu các doanh nghiệp phải cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ. Các kế hoạch mua sắm tài sản có thể xem xét gác lại và lựa chọn các giải pháp thay thế như đi thuê tài sản để duy trì lượng tiền mặt dự phòng đủ lớn.
Thứ hai, hướng đến tạo ra những giá trị ngắn hạn thông qua việc rà soát và đưa ra các giải pháp có thể thực hiện ngay để tăng hiệu quả hoạt động và tăng dòng tiền. Các giải pháp có thể bao gồm rà soát lại danh mục đầu tư và bán hoặc thoái vốn thích hợp, phân bổ lại nguồn lực đầu tư nhằm tối ưu hiệu quả, và tối ưu các khoản vay. Mặt khác, các doanh nghiệp có thể cơ cấu lại dòng sản phẩm, khách hàng, chính sách giá; rà soát lại công tác mua sắm và chi phí chuỗi cung ứng, tối ưu thuế và tối ưu vốn lưu động.
Tuy nhiên, những chương trình cắt giảm thường không tạo ra các động lực tăng trưởng và phát triển trong dài hạn, thậm chí việc siết chặt chi phí và các nguồn lực quá mức có thể tác động tiêu cực đến khả năng tăng trưởng và phát triển trong tương lai - đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó cạnh tranh và dẫn đến một trạng thái khủng hoảng mới sau khủng hoảng.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và cải tổ phương thức phản hồi, nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với hành vi và nhu cầu khách hàng. Vì đây chính là nội dung cốt lõi trong giai đoạn “bình thường mới”.
Như vậy, nếu nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Chính phủ, tiếp cận dòng vốn tín dụng thuận lợi, cùng các bước xoay chuyển bằng nội lực của doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ có xung lực, để phục hồi, phát triển và loại trừ các nguy cơ khủng hoảng sau khủng hoảng có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
16:38, 08/08/2021
05:45, 31/07/2021
11:55, 21/07/2021