Từ Bắc đến Nam, thị trường bất động sản đang chứng kiến nhiều dự án hồi sinh sau nhiều năm "đắp chiếu".
Tại phía Bắc, thị trường đang chứng kiến sự trở lại của dự án Hanoi Melody được phát triển bởi Hưng Thịnh Land, khởi công từ năm 2022. Theo thông tin rao bán từ một số sàn giao dịch bất động sản, giá căn hộ tại Hanoi Melody dao động khoảng 67 - 71 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT). Trước đó, giai đoạn đầu năm 2023, các căn hộ được môi giới chào bán giá 45 - 50 triệu đồng/m2.
Tại phía Nam, thị trường cũng ghi nhận sự trở lại của dự án Khu công viên trung tâm công cộng và dân cư 13A (tên thương mại là khu dân cư Hồng Quang) có quy mô 37 ha, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM. Dự án do Công ty địa ốc Hồng Quang làm chủ đầu tư.
Được triển khai từ năm 2000 với quy mô gần 2.000 căn hộ chung cư, nhà phố, đất nền và biệt thự. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, dự án này chỉ mới bàn giao đất cho các công trình nhà ở thấp tầng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ dân sinh chưa hoàn thiện. Một số khu vực đường sá có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm bị bỏ quên và rất ít dân cư về sinh sống.
Một dự án khác cũng chuẩn bị khởi động lại sau 6 năm "ngủ đông" là Gem Riverside của Tập đoàn Đất Xanh. Đây là dự án trọng điểm từng được công ty này mở bán năm 2018, với giá trung bình 33-40 triệu đồng mỗi m2. Do vướng pháp lý nên sau đó Đất Xanh phải dừng triển khai, tiến hành điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu mật độ dân số và mật độ xây dựng. Đến tháng 10, dự án này vừa được cấp phép xây dựng trở lại với tên gọi mới là Dat Xanh Home Riverside.
Một dự án khác là NBB Garden III (quận 8, TP HCM) cũng được tái khởi động sau nhiều năm đứng yên chờ pháp lý. Dự án NBB Garden III được quy hoạch trên khu đất có diện tích 81.550 m2, quy mô hơn 2.100 sản phẩm căn hộ, nhà liền kề, shophouse. Dự án này được chủ đầu tư lên kế hoạch triển khai từ năm 2008, nhưng gặp vướng vì đất công xen kẹt, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội... nên không được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Sau khi được cho phép triển khai trở lại, tổng vốn đầu tư dự án sẽ vào khoảng 4.400 tỷ đồng và cơ cấu sản phẩm cũng thay đổi so với các thông tin trước đó.
Đánh giá về việc tái khởi động các dự án bị đình trệ thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, cho biết những dự án cũ này không chỉ "làm giàu" hơn nguồn cung nhà ở của thành phố trong các năm tới mà còn giúp giải cơn khát nhà ở đã "đeo bám" thành phố hơn 4 năm qua.
Đồng quan điểm, One Housing cũng ghi nhận rằng nhiều dự án đã bắt đầu hoạt động trở lại và đẩy mạnh hoạt động bán hàng trong tháng 9, đồng thời một lượng lớn dự án khác cũng dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong quý IV/2024 sẽ tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), diễn biến này được kỳ vọng làm hồi sinh nhiều dự án, giúp các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục hoạt động và gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.
Các chuyên gia của VARS dự đoán sau khi những vướng mắc về pháp lý được gỡ bỏ, thị trường sẽ xuất hiện nhiều hơn những thương vụ hợp tác để cùng nhau hồi sinh dự án cũ. Những chủ đầu tư có quỹ đất đang chịu áp lực về tài chính sẽ tìm đến những "tay chơi" có dòng tiền. Còn doanh nghiệp mới thông qua hoạt động liên kết, mua bán sáp nhập để tiếp cận quỹ đất đẹp ngày càng khan hiếm tại TP HCM trong thời gian tới.
Trong một diễn biến liên quan, vừa qua, tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg, Thủ tướng cũng đã có thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án bất động sản. Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban, sử dụng bộ máy của mình để giúp việc cho Ban Chỉ đạo, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.