Việc tích hợp số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với áp lực cắt giảm phát thải và phát triển bền vững, số hóa và AI đang nổi lên như những công cụ không thể thiếu giúp ngành công nghiệp hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Khảo sát Dữ liệu và Phân tích của Công ty Forrester (Hoa Kỳ) vào năm 2022 chỉ ra rằng 73% các nhà ra quyết định về dữ liệu và phân tích đang xây dựng công nghệ AI, 74% ghi nhận tác động tích cực tại doanh nghiệp.
Nghiên cứu của IDC cũng cho thấy, các công ty công nghiệp theo đuổi tính bền vững một cách chiến lược, kết hợp với chương trình chuyển đổi kỹ thuật số dài hạn có hiệu suất vượt trội hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh. Theo đó, sự kết hợp giữa số hoá và AI không chỉ giúp cho doanh nghiệp tối ưu hoá sản xuất, giảm tiêu hoa năng lượng mà còn duy trì tính cạnh tranh, đảm bảo một tương lai sản xuất bền vững, thông minh hơn.
Ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia (Tập đoàn Schneider Electronic) cho rằng: “Khi chúng ta nói về đổi mới sáng tạo, tức là nói về tạo ra hoặc áp dụng những công nghệ mới, những sản phẩm, dịch vụ mới hay việc cải tiến để tạo ra những giá trị mới. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo không là chưa đủ, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều sự thay đổi, có rất nhiều những xu thế mới, lớn đang diễn ra. Để tạo ra những tác động tích cực thực sự, chúng ta phải hợp tác và hành động cùng nhau. Bằng cách kết hợp giữa số hoá, tự động hoá và điện hoá, chắc chắn chúng ta sẽ có những đổi mới sáng tạo cho một tương lai bền vững hơn”.
Thực tế, số hóa hiện đang tạo bước tiến mạnh mẽ nhờ sự kết hợp giữa phần mềm điều hành thông minh và công nghệ AI. Những lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn như sản xuất, năng lượng, logistics đang ghi nhận hiệu quả rõ rệt về năng suất, tương tác khách hàng, giảm chi phí và gia tăng tính bền vững.
Về điều này, ông Lê Đông - Phó Chủ tịch Hội đồng Đổi mới sáng tạo, Giám đốc Trung tâm Công nghệ, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã cắt giảm được 70-80% giấy tờ trong vận hành, khai thác cảng. Đơn cử như những đơn vị, các phương tiện ra vào cảng, chúng tôi đã kiểm tra từ xa. Khi đến cổng, lái xe và khách hàng không phải xuống trình bày giấy tờ. Chúng tôi cắt giảm được lượng giấy tờ in ra, tức là cắt giảm lượng carbon. Thứ hai, chúng tôi có chỉ số đo lường là thời gian xe quay vòng vào cảng. Việc xe cộ vận hành ít đi, thời gian ít đi thì suy ra chúng tôi đã giảm được nhiên liệu tiêu thụ”.
Theo các chuyên gia, khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, ứng dụng AI không chỉ mang lại lợi ích kinh tế nhờ tiết kiệm điện, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, chuyển đổi số được triển khai thông qua các ứng dụng phần mềm có sự hỗ trợ bởi AI đang tạo ra bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao mức độ tương tác với khách hàng, tăng năng suất, cải thiện tính bền vững và tiết kiệm chi phí trong các ngành công nghiệp cần đầu tư lớn như sản xuất, điện, nước và logistics...
“Chúng tôi tin rằng số hóa và AI sẽ là động lực chính cho chuyển dịch năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tối ưu hóa cơ cấu năng lượng để giảm lượng khí thải và phá bỏ các rào cản chuyển đổi năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững”, ông Đồng Mai Lâm cho biết thêm.