Các sản phẩm thuỷ sản cao cấp khó tiêu thụ trong khi sản phẩm phân khúc tầm trung buộc phải giảm giá mạnh để kích cầu khiến doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản sụt giảm.
>>>Tôm nước ấm Việt sang Hoa Kỳ bị điều tra chống trợ cấp, doanh nghiệp cần làm gì?
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 8,3 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát, kinh tế suy thoái do chiến tranh, xung đột khiến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt, doanh nghiệp nhập khẩu cũng hoạt động cầm chứng, các sản phẩm thuỷ sản cao cấp khó tiêu thụ trong khi sản phẩm phân khúc tầm trung buộc phải giảm giá mạnh để kích cầu.
Thực tế này khiến doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sụt giảm. Báo cáo tài chính quý III/2023 của Tập đoàn Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần giảm 41% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm 60%.
Cùng nhận định, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết năm 2023 đang trôi về cuối, cuộc chiến Đông Âu không giảm nhiệt, tháng 10 lại thêm căng thẳng ở Trung Đông; sản lượng tôm Ecuador tăng trưởng khá mạnh gây áp lực kép phải tiêu thụ giá thấp, người tiêu dùng hưởng lợi khiến người nuôi và doanh nghiệp chế biến phải lao đao.
Hơn nữa ngành nuôi tôm nước ta đang được bị thêm bệnh tôm (TPD) chưa có phác đồ điều trị ngoài bệnh đang mắc phải (EHP) dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho lĩnh vực nuôi, ít nhiều làm giá tôm thương phẩm trong nước phục hồi nhẹ từ cuối quý III. Sao Ta cho biết việc hồi phục giá chỉ do tác động cung cầu trong nước, không phải tín hiệu ấm từ thị trường tiêu thụ.
Giá tiêu thụ thấp, khiến sức tiêu thụ tôm Việt bị tác động khá mạnh, đa phần các thị trường đều bị giảm sút và tác động tới Sao Ta.
Tôm nuôi bị dịch bệnh, tỷ lệ nuôi thành công thấp, tôm nuôi Sao Ta cũng giảm tỷ lệ nuôi thành công.
Kết thúc nuôi, Sao Ta ghi nhận sản lượng nuôi cao nhất, cao hơn kỷ lục năm 2021. Nhưng doanh nghiệp thông tin sản lượng cao do tăng diện tích nuôi, chứ kích cỡ tôm nhỏ hơn và tỷ lệ thành công thấp hơn và nhất là "giá tiêu thụ thì quá thấp".
Một “ông lớn” về xuất khẩu thuỷ sản khác trong ngành là Vĩnh Hoàn cũng vừa ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,2% về 16,3%, biên lợi nhuận ròng giảm từ 16,9% về 11,6% trong 9 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, Vĩnh Hoàn đang gặp khó tại thị trường chủ lực là Hoa Kỳ khi 10 tháng liên tiếp doanh số sụt giảm liên tục và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong đó, 3 tháng trở lại đây là tháng 8 ghi nhận giảm 45%, tháng 9 giảm 18% và tháng 10 giảm 59%.
Ngoài ra, doanh thu thị trường Mỹ tháng 5 ghi nhận 373 tỷ đồng, chiếm 39,1% tổng doanh thu, nhưng tới tháng 10 giảm xuống còn 169 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,6%. Như vậy, bên cạnh giảm doanh thu so với cùng kỳ, thị trường này còn ghi nhận giảm cả về tỷ trọng trong tổng doanh thu đóng góp cho Vĩnh Hoàn.
Trong khi đó, dữ liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 8,3 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu cá tra trong 11 tháng đạt gần 1,7 tỷ USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái do giá xuất khẩu giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Mặt hàng này chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Cùng cảnh, xuất khẩu tôm ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thế giới dư thừa, giá bán hạ. Mặt hàng này chiếm khoảng 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu. Tuy nhiên, các thương nhân không muốn bắt đầu mua hàng cho dịp Giáng sinh do nhu cầu đối với các loài giáp xác, bao gồm cả tôm, vẫn yếu.
Nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán và Tết Nguyên đán diễn ra từ tháng 12 đến tháng 2. Giá sẽ tăng trong giai đoạn này khi tổng sản lượng thấp theo mùa.
Xuất khẩu cá ngừ 11 tháng đầu năm đạt khoảng 774 triệu USD, giảm 18%. So với các mặt hàng khác, cá ngừ có tín hiệu tích cực hơn. Dù xuất khẩu sang Mỹ vẫn giảm 35%, nhưng nhiều thị trường như EU, Thái Lan, Israel, Mexico, Nga, Hàn Quốc, Phillipin, Nhật Bản đang có xu hướng tăng NK cá ngừ Việt Nam. Các sản phẩm loin cá ngừ hấp và cá ngừ đóng hộp có nhu cầu tốt hơn so với cá đông lạnh phile, cắt khúc …
Các loại cá khác, chủ yếu là cá biển tới hết tháng 11 đã mang về doanh số 1,74 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu mực, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ, cua ghẹ tới hết tháng 11 vẫn tăng trưởng âm từ 10-13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn vào toàn bộ ngành thủy sản, VASEP nhận định xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực dù có tăng trưởng dương trong tháng 11, tuy nhiên vẫn chưa thể hiện xu hướng khả quan do không có sự đột phá về doanh số so với các tháng trước.
Đáng lưu ý, VASEP đánh giá thận trọng về quá trình hồi phục của ngành khi cho biết các thị trường xuất khẩu chính đang phục hồi khá chậm nên xuất khẩu thủy sản chưa thế bứt phá trong những tháng tới.
Trên thực tế, 2 tháng cuối năm 2022 là giai đoạn xuất khẩu thủy sản lao dốc rơi xuống mức thấp nhất của năm. Bên cạnh đó, bối cảnh lạm phát của năm 2023 đã thúc đẩy nhu cầu của các sản phẩm thủy sản bình dân tăng, trong khi phân khúc thủy sản cao cấp bị giảm. Đó là xu hướng chung của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm ngoái; cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25%; cá ngừ đạt 850 triệu USD, giảm 15%...
Có thể bạn quan tâm
14:06, 04/12/2023
04:50, 01/12/2023
02:30, 28/11/2023
11:00, 12/11/2023