Ứng dụng công nghệ cao, phát triển xanh là xu hướng tất yếu buộc doanh nghiệp chủ động thích ứng sớm và linh hoạt để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Đón cơ hội trong “bão”
Canifa là doanh nghiệp bán lẻ truyền thống với 25 năm hoạt động sản xuất kinh doanh. Để sống sót và phát triển qua giai đoạn đầy khó khăn và thách thức của năm 2023, bà Dương Thanh Tâm - Phó Chủ tịch HĐQT Canifa chia sẻ chính là nhờ vào giá trị công nghệ. 5 năm qua, Canifa đã thực hiện chiến lược định vị lại thương hiệu gắn liền với chuyển đổi số.
Đến tháng 10/2023, những nội dung quan trọng trong chuyển đổi hệ thống của Canifa như bán hàng đa nền tảng, quản trị bằng công nghệ, xây dựng kế hoạch kinh doanh và ra quyết định dựa trên dữ liệu, logistics đã được hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nhờ vậy, trong năm 2023 đầy thách thức và khó khăn với nền kinh tế, trong đó có ngành bán lẻ truyền thống nhưng may mắn, Canifa không rơi vào suy thoái.
Ý thức đầu tư mạnh mẽ vào thương mại điện tử và công nghệ logistics đã mang lại doanh thu tăng trưởng cho Canifa. Theo bà Dương Thanh Tâm, trên 3 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Việt Nam là Lazada, Shopee và TikTok, thương hiệu Canifa đều nằm trong top 3, top 5 về giá trị.
Năm 2024, tiếp nối quá trình chuyển đổi, bà Dương Thanh Tâm cho biết, Canifa tập trung chuyển đổi năng lực với hai từ khoá quan trọng là Reskill - Upskill (đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng). Với doanh nghiệp bán lẻ truyền thống, đây là những kỹ năng quan trọng cần thiết để có thể dẫn dắt doanh nghiệp được quá trình chuyển đổi.
“Kỷ nguyên của chủ nghĩa kinh nghiệm đã trở nên lạc hậu và không còn tồn tại. Thay vào đó, các thành viên của Hội đồng quản trị cần học hỏi hàng ngày, nâng cấp kỹ năng quản trị, kỹ năng dẫn dắt. Suy đến cùng, năng lực của doanh nghiệp được phản ánh từ năng lực của CEO và Ban lãnh đạo” - bà Dương Thanh Tâm cho biết.
Khác với Canifa, Thagaco là doanh nghiệp dệt may xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP đầu tư quốc tế Thagaco cho biết: các nhãn hàng trên thế giới đang chạy đua thành nhãn hàng xanh, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp, nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng trở thành nhãn hàng xanh. Yêu cầu này trong năm 2023 chưa tác động nhiều đến doanh nghiệp nhưng chỉ từ năm 2024 - 2025, xanh hoá trở thành điều kiện tiên quyết để nhãn hàng quyết định xem có đặt hàng tại nhà cung cấp hay không.
Trước thay đổi của thị trường và yêu cầu của đối tác nhập khẩu lớn, xanh hoá là yêu cầu “sống còn”. Doanh nghiệp sẽ mất khách hàng lớn, đơn hàng lớn hoặc khó khăn trong tiếp cận thị trường lớn trong vòng 2-3 năm tới nếu không chuyển đổi sản xuất xanh.
Đầu tư cho nhà máy xanh cần nguồn lực tài chính lớn hơn từ 20 - 30% so với nhà máy bình thường. Tuy nhiên, ngay cả trong thời điểm doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn do đơn hàng suy giảm, Thagaco vẫn nỗ lực chuyển mình để xanh hoá từng phần nhà máy. Năm 2024, Thagaco đầu tư xây dựng nhà máy xanh, nhà máy thông minh đạt chứng chỉ LEED quốc tế của Hiệp hội công trình Mỹ. Đây là giải pháp để giữ chân khách hàng, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chủ động tăng sức đề kháng
Từ cuối năm 2022, tác động của suy thoái toàn cầu khiến doanh nghiệp Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn hơn cả trong dịch bệnh. Vượt qua những thách thức của “cơn bão” này phụ thuộc vào sức đề kháng và chủ động ứng biến với thay đổi của thị trường.
Từ thực tế của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Canifa Dương Thanh Tâm bày tỏ, đầu tư công nghệ để vượt bão, giảm chi phí và tăng hiệu quả, doanh nghiệp không thể đợi bão tan mà chủ động đầu tư, tạo sức đề kháng thì bão mới tan. “Doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn trong cơn bão nhưng tâm thế và khả năng vượt bão lại khác nhau. Sức đề kháng của doanh nghiệp khác nhau tác động đến nỗ lực vượt bão khác nhau” - Phó Chủ tịch HĐQT Canifa Dương Thanh Tâm nói.
Ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh đến sự chủ động ứng biến với thay đổi của thị trường để tăng năng lực cạnh tranh.
“Khi nói đến thay đổi, một cách tự nhiên ai đều nghĩ đến rủi ro và muốn giữ mọi thứ ổn định. Tuy nhiên, chúng ta lại không nhìn thấy rủi ro của việc không thay đổi. Nhìn vào hai đồ thị, chúng ta sẽ thấy, chủ động thay đổi, kiểm soát quá trình thay đổi, rủi ro sẽ giảm dần theo thời gian. Ngược lại, rủi ro của việc không thay đổi tăng dần có thể khiến doanh nghiệp ngày càng trở nên chậm chạp, lạc hậu và rất vất vả xoay xở trong khó khăn” - Phó Chủ tịch HĐQT công ty PNJ nhấn mạnh.
Trong sự thay đổi của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Trí Thông cho rằng, những lợi thế tạo giá trị cho doanh nghiệp trước đây là tài nguyên, nguồn nhân công giá rẻ cần được thay thế bằng lợi thế từ khả năng đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp tạo ra mô hình kinh doanh mới, phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động.
Thực tế, từ phát triển công nghệ, doanh nghiệp đã tạo ra sản phẩm mới để nền kinh tế vươn ra toàn cầu như xuất khẩu xe điện, xuất khẩu các sản phẩm, phần mềm công nghệ cao…