Doanh nghiệp

Doanh nghiệp trong nước mong chính sách đảm bảo cạnh tranh lành mạnh

Hạnh Lê 04/11/2024 03:47

Từ trường hợp của sàn thương mại điện tử Temu, doanh nghiệp trong nước mong chính sách vĩ mô đảm bảo công bằng và cạnh tranh lành mạnh hơn.

Tại diễn đàn Nhịp đập kinh tế 2024, câu chuyện về sàn thương mại điện tử Temu được ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc công ty May 10 nhắc đến khi đề cập đến sự thay đổi của chính sách chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.

temu.jpg
Các cơ quan chức năng đang làm rõ cơ sở pháp lý của sàn thương mại điện tử Temu với chính sách giá rẻ tại Việt Nam.

Cụ thể, theo quy định, sản phẩm hàng hoá qua thương mại điện tử nước ngoài có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được miễn thuế theo Quyết định 78/2010. Vận dụng chính sách này, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới vốn đi trước trong phát triển công nghệ số đã gây “sốt” với nhiều mặt hàng được “chào sân” với giá rất rẻ. Doanh nghiệp và những hộ kinh doanh nhỏ tại Việt Nam khó có thể cạnh tranh được nếu như các chi phí đầu vào sản xuất của họ đã thấp, lại còn được nhiều ưu đãi.

Theo ông Thân Đức Việt, một số chính sách miễn giảm thuế như trên đã khiến doanh nghiệp trong nước chịu thiệt thòi, sản phẩm sản xuất trong nước khó cạnh tranh hơn. Do vậy, cần chính sách vĩ mô đảm bảo công bằng hơn cho doanh nghiệp trong nước Việt Nam.

Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân - đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sàn thương mại điện tử là xu thế của thời đại nhưng không đảm bảo công bằng trong kinh doanh, dẫn đến các trường hợp miễn/không thu được thuế. Nếu tiếp tục để các nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới như Temu, Shein ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam có thể gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Câu chuyện sản phẩm hàng hoá được bán với giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử cũng được bàn luận. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, giá bán sản phẩm rẻ chưa hẳn do tiến bộ của khoa học công nghệ, quy trình sản xuất mà có thể từ phía người bán hàng không phải chịu các loại thuế. Điều này sẽ gây thiệt hại tới các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

det-may(1).jpg
Dệt may là một trong những mặt hàng chịu áp lực cạnh tranh lớn trong thương mại điện tử (ảnh minh hoạ)

Một số quốc gia trên thế giới đã bày tỏ quan ngại trước sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử bán sản phẩm giá rẻ có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và đã có những động thái để kiểm soát.

Với Việt Nam, cơ quan quản lý cần có sự thay đổi trong quản lý, giám sát, thích ứng với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ. Ngoài những giải pháp quản lý trước mắt như giám sát, phát hiện xử lý các nền tảng thương mại điện tử chưa được cấp đăng ký thì giải pháp quan trọng và cấp thiết là hoàn thiện các quy định về thuế quan, thủ tục hải quan với hàng hoá nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử; xem xét điều chỉnh chính sách miễn giảm thuế phù hợp với thực tế.

Điều này nhằm đảm bảo các nền tảng phải tuân thủ quy định về thuế, đảm bảo quyền lợi cho ngân sách quốc gia cũng như công bằng cho các doanh nghiệp trong nước.

Về phía các doanh nghiệp cần có sự thích ứng, nhanh nhạy hơn với sự thay đổi của thị trường, thị hiếu tiêu dùng để nâng cao năng lực cạnh tranh, điều chỉnh chiến lược kinh doanh...

Thị trường bán lẻ nội địa với gần 100 triệu dân đang có sức hút lớn với các nhà đầu tư, trong đó thương mại điện tử xuyên biên giới có nhiều tiềm năng phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình là 25%/năm.

Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), doanh thu thương mại điện tử năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD với hơn 61 triệu người Việt đã mua sắm online với giá trị mua sắm bình quân mỗi người khoảng 336 USD. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách liên quan cho sự phát triển bền vững, ổn định của thị trường này là điều cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp trong nước mong chính sách đảm bảo cạnh tranh lành mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO