Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ứng phó với chính sách xanh phức tạp và khác biệt

Hạnh Lê 21/09/2024 03:00

Chính sách xanh ở các quốc gia nhập khẩu không chỉ nhiều về số lượng mà còn phức tạp về tính chất và liên tục phát triển theo thời gian.

Đây là một trong những thông tin được TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) chia sẻ khi đề cập đến nhiều thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là ở thị trường châu Âu có nhiều chính sách xanh.

TS Viet
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)

Cùng với châu Âu, một số quốc gia khác đã và đang ban hành các chính sách xanh tương tự. Đặc biệt, không có một bộ tiêu chuẩn xanh chung hay lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho các loại hàng hóa xuất khẩu. Chính sách xanh ở các quốc gia nhập khẩu không chỉ nhiều về số lượng mà còn phức tạp về tính chất và liên tục phát triển theo thời gian..

Ngoài yêu cầu của đối tác nhập khẩu, nỗ lực chuyển đổi xanh còn đến từ cam kết chính trị đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp - nhân tố đóng vai trò quan trọng hiện thực hoá lộ trình trên cần tăng tốc chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%.

Để đạt được mục tiêu trên, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, doanh nghiệp cần hành động và thực hành ESG bởi đây là những tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Dẫn các số liệu khảo sát từ các công ty tư vấn tài chính hàng đầu Việt Nam thực hiện, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh hầu hết doanh nghiệp đang bắt đầu thực hành ESG.

Báo cáo phát triển bền vững 2023 của KPMG cho thấy, thực hành ESG tại doanh nghiệp ở Việt Nam có thay đổi nhưng vẫn chưa hiệu quả. Hơn 90% nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp vẫn chưa minh chứng được tính bền vững, không được phân loại theo các yêu cầu của ESG…

Những con số trên cũng cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong thực hành ESG. Đó là thiếu nhận thức và hiểu biết về thực hành ESG, trong đó các doanh nghiệp SME có thể chưa hiểu rõ về khái niệm Net Zero và các yêu cầu liên quan khiến cho việc triển khai không hiệu quả và không đạt được mục tiêu đề ra.

cdx.jpg
Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp gắn liền với việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sản xuất đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn

Ngoài ra, thiếu nguồn lực tài chính cũng là vấn đề lớn. Việc chuyển đổi sang các công nghệ và phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường cần khoản đầu tư lớn, các doanh nghiệp phải cân nhắc giữa lợi nhuận ngắn hạn và sự bền vững dài hạn.

Những khó khăn tiếp theo thuộc về hạ tầng (thiếu hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu về lượng phát thải khí nhà kính) và chính sách, quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp.

Từ thực tế trên, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về chính sách chuyển đổi xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm, dịch vụ để có sự chuẩn bị và hành động từ sớm, nhất là thực hành ESG. Đồng thời, đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, chuyển dịch năng lượng tái tạo để tối ưu năng lượng sử dụng; liên kết với doanh nghiệp FDI để đáp ứng các chuẩn mực và vượt qua rào cản mới trong thương mại quốc tế…

Với các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện các chiến lược chính sách chuyển đổi xanh; hoàn thiện khung chính sách, thúc đẩy năng lượng tái tạo; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp ứng phó với chính sách xanh phức tạp và khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO