Tự lập ra các tụ điểm đón trả khách sai quy định, bắt khách dọc đường, làm loạn thị trường vận tải…Công ty Bình An khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Nghĩa Hưng – Hà Nội lao đao.
Bên cạnh những công ty, HTX thực hiện nghiêm các quy định của luật vận tải hành khách, thực hiện các nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước còn rất nhiều những đơn vị vận tải hành khách trá hình dưới hình thức hợp đồng.
Xe khách trá hình… đè xe tuyến
Các đơn vị này, tự lập ra các tụ điểm đón trả khách sai quy định, các bên cóc, xe dù trá hình, lập các văn phòng đại diện để hàng ngày đi gom khách của các tuyến cố định, gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các đơn vị làm ăn chân chính. Rất nhiều thành viên tại các công ty, HTX thuộc các đơn vị vận tải hành khách tuyến Nam Định – Hà Nội đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì không trả được nợ vay cho các tổ chức tín dụng.
Trong tâm trạng bức xúc, ông Hoàng Văn Mão – một doanh nghiệp vận tải hành khách cho biết, gia đình ông có 1 xe, 2 nốt chạy tuyến Nghĩa Hưng – Giáp Bát nhưng cứ chuẩn bị xuất bến là đã có xe Limousine Bình An chạy trước đó 10 phút. Đây là tuyến độc đạo, duy nhất chỉ có một trục, chúng tôi phục vụ nhân dân ở đây hơn 20 năm nay rồi. Xe Bình An đi như thế, chúng tôi không có khách, đã vậy nhiều lần lái xe Bình An xuống còn đe dọa, hành hung với lái xe tuyến cố định.
Cũng cùng cảnh ngộ như ông Mão, ông Phạm Nam Tiến – Giám đốc HTX Vận tải đường bộ Quyết Nhất chia sẻ, HTX của ông có 19 xe đang hoạt động kinh doanh trên tuyến Nghĩa Hưng – Hà Nội, mặc dù đã được đầu tư mới nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với xe dù, bến cóc.
“Các xe của HTX luôn trong tình trạng không có khách, vé xe thì thấp, không có doanh thu trong khi chi phí cố định vẫn phải duy trì. Nguy cơ phá sản cận kề, các tổ chức tín dụng siết nợ hoàn toàn có thể xảy ra, đời sống cả trăm con người sẽ ra sao?” – ông Tiến buồn rầu.
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Văn Thạc – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Nam Định cho biết: Từ năm 2017 đến nay trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng xuất hiện tình trạng xe 7 chỗ của Công ty TNHH Dịch vụ lữ hành Bình An lập điểm đón trả khách tại điểm cây xăng dầu Hà Nam Ninh (Trực Thuận, Trực Ninh) trên tỉnh lộ 490, đường 55 hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng. Thời gian gần đây, Công ty An Bình còn đưa vào hoạt động dàn xe Limousine loại 16 chỗ, hàng ngày len lỏi đè nên tất cả các nốt xe có nốt tuyến cố định đang hoạt động để gom khách đón chở đi Hà Nội, gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định.
“Sống chung với lũ”?
Theo ghi nhận của PV, tại cây xăng xã Trực Thuận lúc nào cũng có vài xe Limousine của Công ty Bình An đỗ, cứ xe này đi thì có xe khác về trả khách và lại đỗ tại đó để tiếp tục đón khách.
Tại Hà Nội, nhà xe Bình An chia làm 3 lộ trình để đón khách từ Hà Nội về Nam Định. Sau khi gom khách tại các điểm trên, các xe này chạy thẳng về Nghĩa Hưng trả khách tại các thôn, các xã với khẩu hiệu “Xe đón tận nơi – Trả tận nơi tất cả các điểm”.
Cũng tại đơn kiến nghị, các đơn vị vận tải tuyến Nghĩa Hưng – Hà Nội còn chỉ ra 16 xe dù 16 chỗ thường xuyên hoạt động, đón khách trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng để các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra.
Theo báo cáo của Thanh tra giao thông Sở GTVT Nam Định về một số xe hợp đồng 16 chỗ của Công ty Bình An thường xuyên hoạt động tại khu vực huyện Nghĩa Hưng, qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thể hiện 8 phương tiện xe hợp đồng do Sở GTVT TP Hà Nội quản lý thuộc HTX vận tải quốc tế Bắc Việt, 2 phương tiện không có dữ liệu về đơn vị quản lý, đơn vị kinh doanh vận tải có hoạt động thường xuyên tại khu vực Nghĩa Hưng.
Ông Đinh Xuân Hùng – PGĐ Sở GTVT Nam Định cho biết, những nội dung trong đơn kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến Nghĩa Hưng – Hà Nội phản ánh một phần hiện tượng kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trên cả nước nói chung và địa bàn huyện Nghĩa Hưng đi Hà Nội nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
13:30, 05/09/2019
00:54, 27/08/2019
06:30, 03/08/2019
Theo đó, Sở GTVT Nam Định giao Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra đối với các xe hợp đồng thuộc HTX vận tải quốc tế Bắc Việt khi hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú ý tới các hành vi vi phạm liên quan đến việc dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định. Giao phòng Quản lý vận tải tham mưu cho lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội (đơn vị cấp giấy phép kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu cho các xe thuộc HTX Bắc Việt) kiểm tra chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải đối với HTX Bắc Việt.
Tình trạng xe trá hình cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định đang làm “đau đầu” cơ quan quản lý. Chừng nào chưa có chế tài cụ thể, chừng đó các doanh nghiệp vận tải chân chính vẫn phải chấp nhận “sống chung với lũ”.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin.