“Hồi hộp chờ đợi”, “nóng lòng được xuất khẩu gạo trở lại”… là tâm trạng chung của nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo.
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo, họ đang bị tổn thất về kinh tế rất lớn do việc ngừng xuất khẩu gạo. Nếu việc này kéo dài thêm vài tuần nữa thì nhiều doanh nghiệp có khả năng phá sản.
Doanh nghiệp "nóng ruột"
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo như đang “ngồi trên đống lửa” khi hàng trăm ngàn tấn gạo đang bị kẹt lại ở cảng, dòng tiền bị “đóng băng”. Doanh nghiệp không có tiền nên cũng không thể thu mua lúa của nông dân đã đến kỳ thu hoạch.
Ông Nguyễn Long, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hơn 200.000 tấn gạo chưa thể xuất khẩu và đang lưu tại các bến cảng đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp.
Mỗi ngày, một container gạo 25 tấn không xuất khẩu được sẽ khiến doanh nghiệp tổn thất khoảng 300.000 đồng cho chi phí lưu hàng tại cảng và nhiều chi phí phát sinh khác. Doanh nghiệp nhỏ thì mất vài chục triệu đồng/ngày, doanh nghiệp lớn thì mất hàng trăm triệu đồng/ngày.
“Chúng tôi cũng đang lưu tại Cảng Sài Gòn 3.500 tấn gạo, mỗi ngày thiệt hại khoảng 36 triệu đồng. Cả chục ngày nay, gạo không xuất được thì mọi người biết chúng tôi thiệt hại bao nhiêu rồi đó. Nếu phải chờ đến ngày 15/4 thì hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều không thể bám trụ nổi”, ông Long nói.
Theo ông Long, nếu gạo xuất khẩu được thì doanh nghiệp vẫn phải chờ thêm khoảng 3 tuần mới nhận được tiền bởi doanh nghiệp phải chờ hàng di chuyển đến nơi, đối tác nhận hàng và ngân hàng chuyển tiền…
Chính vì vậy, nếu càng kéo dài thời gian lưu hàng tại cảng thì doanh nghiệp càng dễ phá sản.
Cũng theo ông Long, do lo sợ việc ngừng xuất khẩu sẽ kéo dài nên các ngân hàng đang phong tỏa nguồn tiền của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp càng rơi vào tình trạng khó khăn. Trong khi đó, ngành gạo lại có biên độ lợi nhuận thấp và nguồn vốn vay lớn.
“Nếu chúng tôi không xuất khẩu được thì chúng tôi cũng không thể bán được ở nội địa. Vì đặc trưng ngành gạo là ai làm nội địa thì không xuất khẩu, còn ai làm xuất khẩu thì không làm nội địa hoặc làm rất ít. Doanh nghiệp không thể chuyển đổi thị trường ngay tức khắc được. Nếu “câu giờ” mãi thì chúng tôi chỉ có chết”, ông Long chia sẻ.
Về tình hình xuất khẩu gạo, bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An thì thở dài: “Đang chán chẳng buồn nói!”. Doanh nghiệp bà Liên có 32 container gạo đang kẹt ở các cảng biển vì không được mở tờ khai để thông quan.
Phía đối tác nhập khẩu cũng đã yêu cầu phía bà Liên phải gửi văn bản của Thủ tướng Chính phủ, chứng minh là doanh nghiệp không được phép xuất khẩu theo “lệnh” của cơ quan chức năng thì mới không yêu cầu bồi thường hợp đồng.
Dù không phải bồi thường hợp đồng nhưng chi phí lưu container, rồi lãi ngân hàng, không có tiền trả nợ lúa nông dân… cũng khiến doanh nghiệp chật vật rồi. “Doanh nghiệp đang phải tính tới đường tạm ngưng mua lúa của nông dân”, bà Liên than thở.
Cụ thể, trong tình hình không được phép xuất khẩu gạo như hiện tại, các ngân hàng không giải ngân vốn vay nên doanh nghiệp không có tiền thu mua lúa cho nông dân. Như tại doanh nghiệp bà Liên, từ đầu vụ, doanh nghiệp đặt cọc bao tiêu cho nông dân với mức 5 triệu đồng/ha. Thế nhưng, khi lúa chín, doanh nghiệp chưa xoay được tiền đành phải chấp nhận mất cọc, để nông dân bán lúa ra ngoài.
Đồng cảnh với bà Liên, ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc mảng gạo Công ty TNHH TM-DV-XNK Dung Nam cho biết, hợp đồng gạo đã ký với đối tác rồi và khách hàng cũng đã chuyển 30% giá trị hợp đồng, bây giờ bị hoãn lại nên vướng đủ thứ, công ty không xoay xở được vì bao bì đã in rồi, hàng hoá đã mua đủ ở kho và một số đang ở ngoài cảng nhưng vì lệnh dừng xuất khẩu đột ngột quá nên chưa xuống hàng được.
"Từ ngày 24/3, đúng ra phải giao gạo cho khách hàng thì đến nay vẫn còn nằm ở cảng, công ty thì vẫn phải đóng lãi cho ngân hàng, chúng tôi chưa tính được là mức thiệt hại mỗi ngày là bao nhiêu nhưng sẽ là con số rất lớn, vì công ty chúng tôi vừa thu mua nguyên liệu gạo xô vào chế biến, vừa xuất nên hàng hóa luân chuyển trong kho và dòng tiền cũng luân chuyển liên tục, ngừng xuất khẩu đột ngột tất cả mọi việc đều kẹt cứng, còn phía ngân hàng thì không giải ngân cho doanh nghiệp.
Nếu trong tháng 4 này Chính phủ vẫn chưa cho xuất khẩu gạo lại thì chúng tôi điêu đứng, vì không có tiền đóng lãi ngân hàng, tiền trả lương của tất cả cán bộ công nhân viên trong công ty. Gạo thì chất đầy trong kho mà tiền thì không có, muốn mua lúa cho dân cũng không có tiền mà mua, mà giá gạo như hiện nay thật sự chúng tôi không dám mua vào. Loay hoay chưa có giải pháp gì", ông Kiệt thở dài.
Ông Nguyễn Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) - cho rằng nếu vẫn cho thực hiện các hợp đồng đã ký trước 24-3 và lượng xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4, doanh nghiệp sẽ không bị thiệt hại lớn, chỉ mất cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Việc hạn chế sẽ gây thiệt hại cho nông dân vì giá lúa bán ra sẽ không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên trong bối cảnh đảm bảo an ninh lương thực, các doanh nghiệp sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Công Thương giữ nguyên đề xuất
Ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã gửi văn bản báo cáo về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, theo chỉ đạo của Thủ tướng vào ngày 31/3.
Theo đó, Bộ Công thương đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trong đó lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn.
Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.
Như vậy, đề xuất mới nhất này của Bộ trưởng Bộ Công thương cơ bản giống với báo cáo và đề xuất của đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh báo cáo với Thủ tướng ngày 28/3.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 06/04/2020
02:16, 04/04/2020
11:00, 01/04/2020
06:37, 31/03/2020
02:52, 31/03/2020
Theo báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), đến ngày 27.3.2020, tổng lượng hợp đồng đã kg nhưng chưa giao hàng là 1,574 triệu tấn gạo. Trong đó, phai giao từ nay đến 31 tháng 5 năm 2020 là 1,385 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của doanh nghiệp hội viên (60/92 hội viên) là 1,651 triệu tấn. Như vậy, chỉ tính riêng các doanh nghiệp hội viên của VFA, nếu tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo “không ký hợp đồng mới” của Thủ tướng Chính phủ, lượng gạo dư vào thời điểm 31 tháng 5 năm 2020 là khoảng 266.000 tấn.
Tính cả các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội có gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công Thương thì tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là 1,665 triệu tấn gạo. Lượng hiện có trong kho của doanh nghiệp là 1,708 triệu tấn gạo và 144.000 tấn thóc (tương đương khoảng 75.000 tấn gạo).
Trước tình hình này, các doanh nghiệp kiến nghị phương án xuất khẩu gạo có kiểm soát trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn đảm bảo duy trì sản xuất và tăng trưởng kinh tế.