Nhiều năm qua, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tại Văn Lâm đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của kỷ nguyên hội nhập.
Diễn đàn Doanh nghiệp phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Văn Lâm.
- Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp huyện Văn Lâm đã có bước phát triển đáng ghi nhận như thế nào thời gian qua?
Huyện Văn Lâm từ lâu đã nổi tiếng với vị trí địa lý chiến lược, kết nối các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Phát huy lợi thế đó, nhiều năm qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất đã có bước phát triển vượt bậc so với ngày đầu tái lập (1999). Từ đó, đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, huyện cũng đang chứng kiến sự chuyển mình đầy ấn tượng của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp, từ số lượng tăng trưởng ổn định đến chất lượng vượt bậc trong các lĩnh vực kinh doanh. Thống kê đến nay, có khoảng 2185 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện, khoảng 1/3 trong đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Điển hình trong đó phải kể đến các doanh nghiệp lớn như Thép Việt Mỹ, Thép Nhật Quang, Thép Minh Ngọc. Các doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Hưng Yên trên bản đồ kinh tế cả nước.
Với sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp như Phố Nối A, Như Quỳnh đã trở thành điểm sáng thu hút đầu tư với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, bất động sản. Không chỉ tăng về số lượng, các doanh nghiệp hiện nay còn chú trọng đầu tư vào công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Cộng đồng doanh nghiêp huyện đã có vai trò đóng góp tỷ trọng lớn vào GRDP của tỉnh thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Hàng nghìn lao động địa phương đã có việc làm ổn định với mức thu nhập tốt nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp trong huyện. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác xã hội tại địa phương, lan tỏa tinh thần trách nhiệm với cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện, hỗ trợ giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng.
- Hội Doanh nghiệp đã triển khai những hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh?
Hội Doanh nghiệp huyện Văn Lâm được thành lập ngày 26/06/2006, đến nay đã trải qua 18 năm xây dựng và phát triển. Những ngày đầu thành lập, Hội đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động và phát triển hội viên. Nhưng với sự động viên của các cấp cũng như sự đồng hành, chia sẻ của HHDN tỉnh, Hội Doanh nghiệp Văn Lâm đã đoàn kết, vươn lên cùng phát triển. Đến nay, Hội đã có gần 100 doanh nghiệp Hội viên tham gia sinh hoạt, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội đã phát triển lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có tầm nhìn, trí tuệ, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường. Chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân Văn Lâm có quy mô, năng lực và trình độ, có vị thế, uy tín, để đứng vững trên thị trường trong nước, nhiều doanh nhân đang nỗ lực không ngừng để xây dựng nền móng vững chắc, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với kỳ vọng bứt phá, tạo kỳ tích trong thời kỳ hội nhập.
Trong nhiệm kỳ qua, các hội viên Hội Doanh nghiệp huyện Văn Lâm đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh, chủ động đổi mới công nghệ, cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ, trình độ quản lý, quản trị mới để tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, tạo việc làm cho lao động nông thôn; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội Doanh nghiệp huyện Văn Lâm đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và cấp ủy, chính quyền; giúp đỡ các hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân; chú trọng phát triển hội viên ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với các giải pháp của Trung ương, thời gian qua tỉnh cùng các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đó tập trung hoàn thiện khung pháp lý; các giải pháp chủ yếu là giảm tiền thuê đất; tập trung giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư phát triển công nghiệp; khuyến khích hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp thương mại; tăng cường các hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng; hỗ trợ đổi mới, áp dụng công mới; đẩy mạnh quá trình hình thành các cụm liên kết, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai; xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp...;
Thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, để nghe các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có những biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp.
- Năm 2024 sắp qua, ông có thông điệp gì gửi tới cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp huyện?
Năm 2024 chuẩn bị khép lại với nhiều dấu ấn đáng nhớ. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua những thách thức và gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng một nền kinh tế tỉnh Hưng Yên phát triển bền vững và thịnh vượng.
Bước sang năm mới 2025, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và những yêu cầu cấp bách từ chuyển đổi số và phát triển xanh. Đây là lúc cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới tư duy và hành động để tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế trong nước và quốc tế.
Tôi kêu gọi mỗi doanh nghiệp hãy chủ động đổi mới sáng tạo, tận dụng sức mạnh của công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững để tăng cường khả năng cạnh tranh. Các doanh nhân, doanh nghiệp hãy đoàn kết và hợp tác, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mỗi doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển bền vững, và gắn kết với lợi ích của cộng đồng.
Hiệp Doanh nghiệp sẽ luôn là cầu nối, là người đồng hành đáng tin cậy, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, doanh nhân.
Trên hành trình vươn ra biển lớn, mỗi con tàu đều cần người thuyền trưởng giỏi dẫn dắt vượt qua sóng to, gió lớn. Khát vọng và lòng can đảm là chưa đủ, sức mạnh của “tay chèo” phải được tạo ra từ gốc rễ tri thức và trách nhiệm với cộng đồng. Để có những thương hiệu mạnh, những doanh nghiệp bền vững, văn minh với những doanh nhân trí thức, có tầm nhìn, trí tuệ, hiểu biết và tuân thủ pháp luật thì họ chính là những nền tảng vững chắc giúp đoàn tàu kinh tế dễ dàng vượt mọi cam go thử thách.
- Trân trọng cảm ơn ông! Chúc cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp huyện Văn Lâm ngày càng phát triển vững mạnh!