Khi nói đến Vicostone (VCS), không thể không nói đến ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT, người được coi là linh hồn của Vicostone.
Vicostone cũng là doanh nghiệp đưa tên tuổi ông Hồ Xuân Năng trở thành người giàu trên thị trường chứng khoán với khối tài sản nghìn tỷ.
Cú thâu tóm ngược "ngoạn mục"
Hồ Xuân Năng sinh năm 1964 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công và trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ NN-PTNT.
Nhưng sau đó, ông Năng đã bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD Việt Nam.
Năm 1999, ông Năng đến với Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT.
Tại Vinaconex, ông Năng kinh qua nhiều vị trí từ Thư ký Chủ tịch HĐQT đến Giám đốc công ty Đá ốp lát cao cấp Vinaconex. Năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty này. Đây cũng là tiền thân của Vicostone sau khi doanh nghiệp này lên sàn và thực hiện cổ phần hóa hoàn toàn vào năm 2013. Năm 2014, ông Hồ Xuân Năng bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Vicostone (VCS).
Từ vị thế làm thuê, làm công ăn lương, ông Hồ Xuân Năng trở thành ông chủ của một trong những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu trên thị trường chứng khoán. Vốn hóa của Vicostone giờ lên tới gần 16,3 ngàn tỷ đồng, trong khi đó vốn hóa của Vinaconex vẫn quanh ngưỡng 9 ngàn tỷ đồng.
Vicostone được thành lập từ cuối 2002 theo quyết định của Chủ tịch HĐQT Vinaconex để thực hiện đầu tư dự án dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone).
Lĩnh vực hoạt động chính của Vicostone là sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton S.P.A (Ý).
Ngoài ra, ông Năng cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Style Stone và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị.
Thời điểm ông Năng tiếp nhận Vicostone, công ty đang đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng chính nhờ sự thông minh, nhạy bén và tài quản lý của mình, ông Năng đã "nâng tầm" Vicostone từ một công ty nhỏ thành công ty có quy mô lớn hơn nhiều công ty mẹ ngày hôm nay.
Về phần công ty Vicostone , với hệ thống các đại lý phân phối trên toàn cầu, sản phẩm của Vicostone đã hiện diện tại khắp các châu lục, cung cấp ra thị trường hàng triệu m2 mỗi năm và là một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Trong đó, 3 thị trường khắt khe bậc nhất thế giới là Bắc Mỹ, châu Úc, châu Âu là những thị trường mang lại doanh thu chính cho Vicostone.
Từ mức vốn điều lệ 22,93 tỷ đồng ban đầu năm 2005, con số này đã tăng hơn 69 lần và chạm mức 1600 tỷ đồng tính đến cuối quý năm 2019. Tổng doanh thu cũng tăng qua từng năm với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2005 - 2013 đạt trên 34%. Tuy nhiên, mức lợi nhuận của Vicostone lại không đạt kỳ vọng và giảm dần trong giai đoạn 2011 – 2013.
Theo đó, nhuận sau thuế giảm mạnh từ gần 123 tỷ đồng năm 2011 xuống còn chỉ 56 tỷ đồng trong năm 2012 và 68 tỷ năm 2013.
Chưa hết, Vicostone còn bị đe dọa về thị phần, hiệu quả hoạt động và tăng trưởng do nguy cơ về cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế khi xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh lớn, mạnh: khả năng gặp rủi ro cao về thị phần, phải hạ giá bán, tăng giá mua đầu vào (do có nhiều nhà sản xuất cùng loại sản phẩm).
Trong bối cảnh ấy, ĐHCĐ của Vicostone đã chấp thuận cho Công ty Phenikaa, đối thủ cạnh tranh của Vicostone được mua từ 51 - 58% cổ phần của Vicostone mà không phải thông qua chào mua công khai. Đến cuối tháng 9/2014, Vicostone đã mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%.
Thương vụ này không có gì đáng nói nếu như đại gia Năng Do Thái "lộ diện" với cương vị ông chủ mới của Phenikaa chỉ sau hơn 3 tháng Phenikaa thâu tóm Vicostone.
Với việc nắm giữ 90% vốn điều lệ của Phenikaa, ông Năng đã thâu tóm ngược lại Phenikaa, đồng thời nắm đủ số cổ phần để kiểm soát luôn cả Vicostone.
Động thái này của ông Năng đã gây sửng sốt trong giới doanh nghiệp khi đó. Đây cũng chính là bước ngoặt giúp ông Năng trở thành một trong những người giàu nhất trên TTCK khi lợi nhuận của VCS tăng từ mức 2 con số của năm 2013, lên mức 3 con số năm 2014 và đến năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Vicostone trên nghìn tỷ đồng.
Chính vì sự thông minh và nhạy bén giới kinh doanh gọi ông Hồ Xuân Năng là Năng "Do Thái".
Trăn trở giấc mơ làm khoa học và giáo dục
Trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp thành công, nhưng vốn là dân nghiên cứu khoa học, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa vẫn luôn trăn trở với ước mơ làm khoa học và giáo dục đào tạo thủa nào.
Năm 2015 - 2016, ông mua được 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây và đến cuối năm 2017 nắm cổ phần chi phối trường đại học này. Giống như Vicostone trước đây, Đại học Thành Tây dưới thời ông Năng được "bẻ lái" sang định hướng mới với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu. Để rồi, TIAS - Viện nghiên cứu khoa học cơ bản trực thuộc Trường Đại học Thành Tây được thành lập.
Đến tháng 11/2019, Tập đoàn Phenikaa chính thức ra mắt Trường Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa với quy mô 1.000 tỷ đồng.
Đại học Phenikaa không hẳn bắt đầu từ số 0, mà đây vốn là Trường Đại học Thành Tây, ngôi trường đã có hơn 10 năm hoạt động, nhưng chủ hướng là dạy nghề.
Sau thương vụ M&A, dưới bàn tay ông Hồ Xuân Năng và các cộng sự, Trường được đổi tên, đổi diện mạo.
Cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, to đẹp theo mô hình các trường đại học xanh trên thế giới.
Vị chủ tịch mới còn bắt đầu một cuộc cách mạng ở đây khi đặt ra mục tiêu đưa Đại học Phenikaa trở thành một trường đại học đa ngành theo chuẩn quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, hướng nghiệp; và trong vòng 20 năm nữa, sẽ vào Top 100 trường đại học xuất sắc nhất châu Á.
Thẳm sâu trong con người ông Hồ Xuân Năng, người được thị trường biết tới trong vai trò doanh nhân, lại là những khát vọng và trăn trở của một nhà khoa học.
Ông Năng từng là tiến sỹ trẻ nhất tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Bởi thế, với mô hình đào tạo của Đại học Phenikaa, nhiều người kỳ vọng, những hạn chế của lối giáo dục hàn lâm tại Việt Nam lâu nay sẽ được khắc phục.
Trường đã thành lập 4 viện và trung tâm, hoặc tập trung vào khoa học cơ bản, hoặc tập trung vào khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ.
Đây sẽ là những nơi sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh có thể đến thực tập, nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ.
Về cách đào tạo này, ông Năng nói rất vắn tắt: “Sinh viên được truyền cảm hứng để khao khát trải nghiệm, chuyển từ “thầy hỏi trò” sang “trò hỏi thầy” là chính. Làm trước - học sau”.
Đánh thức và hiện thực hóa tiềm năng của mỗi cá nhân là kim chỉ nam để ông Năng và các cộng sự thành công tại Vicostone.
Nhờ chất xám Việt, họ đã xoay chuyển nghịch cảnh, đưa một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản lọt vào Top 4 nhà sản xuất đá thạch anh lớn nhất thế giới.
"Nay với tinh thần ấy, chúng tôi mong muốn tiếp tục truyền cho thế hệ trẻ để họ trở thành những con người đầy hoài bão, nghị lực và bản lĩnh, tự tin và mạnh mẽ bắt đầu sự nghiệp ngay khi rời ghế nhà trường”, Chủ tịch Phenikaa chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
01:38, 14/06/2020
00:55, 13/06/2020
02:00, 12/06/2020
02:07, 11/06/2020
02:02, 10/06/2020
02:54, 09/06/2020
02:00, 08/06/2020