Doanh nhân

Doanh nhân Hưng Yên: Bản lĩnh vượt sóng gió

Vũ Phường - Kim Dung 28/12/2024 10:06

Bước qua năm 2024 đầy sóng gió, doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đã khẳng định bản lĩnh, tinh thần thép để vững vàng hội nhập, phát triển trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên – Nguyễn Thị Thanh Hà đánh giá, năm 2024, trước những biến động kinh tế toàn cầu và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, các doanh nhân tỉnh Hưng Yên đã chứng minh được bản lĩnh vững vàng và tinh thần sáng tạo vượt bậc. Trong bối cảnh khó khăn đó, họ không chỉ kiên định giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn chủ động tìm kiếm cơ hội mới, đón đầu xu hướng chuyển đổi số và đổi mới công nghệ.

1(2).jpg
Doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đã trải qua 1 năm đầy sóng gió nhưng vẫn bản lĩnh vượt qua. Ảnh: Vũ Phường

Kiên định và linh hoạt trong khó khăn

Thời gian qua, cộng đồng doanh nhân tỉnh Hưng Yên luôn thể hiện tinh thần kiên định và sự linh hoạt trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Trước những biến động của nền kinh tế, các doanh nhân không chỉ giữ vững niềm tin vào mục tiêu phát triển dài hạn mà còn nhanh chóng thích nghi với thay đổi, không để doanh nghiệp bị gián đoạn. Các doanh nghiệp đã tập trung vào việc tối ưu hóa nguồn lực, cải tiến quy trình vận hành và giảm thiểu chi phí không cần thiết. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng mạnh mẽ sang áp dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Thanh Tùng (huyện Văn Lâm) cho biết, trong bối cảnh ngành gạch men trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, như chi phí nguyên liệu và năng lượng tăng cao, áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu, cũng như sự giảm sút nhu cầu xây dựng, các doanh nghiệp vẫn kiên trì nỗ lực vượt qua thách thức. Bằng cách tập trung vào cải tiến công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã giữ vững được thị phần trong nước và từng bước mở rộng xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư vào sản phẩm gạch men thân thiện với môi trường, đáp ứng xu hướng xây dựng xanh, giúp gia tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường. Chính sự linh hoạt và quyết tâm đã giúp ngành gạch men không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn đạt được tăng trưởng đáng khích lệ, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Bên cạnh đó, bản lĩnh của doanh nhân Hưng Yên còn thể hiện rõ nét ở khả năng nhìn thấy cơ hội trong thách thức. Họ không ngừng mở rộng các chuỗi giá trị, thiết lập mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và quốc tế để tạo sức mạnh cộng hưởng.

2(2).jpg
Sản xuất kẽm oxit tại công ty TNHH sản xuất và thương mại Thanh Tùng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Vũ Phường

Ông Bùi Quang Sỹ, Tổng Giám đốc công ty CP Thuận Đức (huyện Kim Động) cho biết, sự suy thoái kinh tế trên toàn cầu hiện nay, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Châu Âu và Mỹ đang cắt giảm nhập khẩu hàng hóa chính là thách thức hàng đầu của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, đặc thù ngành bao bì phải nhập khẩu 80%-90% nguyên liệu đầu vào, phụ thuộc giá dầu, khí thiên nhiên, than đá trên thế giới. Vậy nên khi có sự thay đổi của những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu nhựa, gây ra rủi ro đối với doanh nghiệp bao bì khi chưa thể điều chỉnh giá bán ra tăng tương ứng, làm ảnh hưởng đến doanh thu tăng trưởng.

Bên cạnh đó, xu hướng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp có thương hiệu bền vững, trách nhiệm xã hội và chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng cũng đang tạo áp lực lên các doanh nghiệp bao bì.

Trong bối cảnh đó, Thuận Đức vẫn luôn vững vàng đối mặt với thách thức từ biến động của nền kinh tế thị trường, duy trì hiệu quả hoạt động và gặt hái được những thành quả ấn tượng.

Từ việc đưa vào vận hành ổn định nhà máy số 1, đến nay Thuận Đức đã mở rộng quy mô sản xuất với tổng số 5 nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Hưng Yên và Thanh Hóa và tạo công ăn, việc làm ổn định cho gần 2000 lao động trên địa bàn.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc công ty TNHH công nghệ TMD Việt Nam (huyện Khoái Châu) chia sẻ: “Chiến lược tích hợp vào chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác quốc tế và đầu tư vào phát triển bền vững giúp công ty đáp ứng tốt hơn những biến động trong xu hướng kinh doanh”.

Song song đó, TMD đã tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Nhờ vào việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến và chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, công ty đã gây dựng được niềm tin với khách hàng quốc tế, góp phần khẳng định thương hiệu trên bản đồ kinh tế thế giới.

Đặc biệt, công ty đã tập trung đầu tư vào đội ngũ nhân sự, đào tạo kỹ năng chuyên môn và xây dựng môi trường làm việc sáng tạo. Nhờ vậy, công ty không chỉ khẳng định vị thế trên thị trường trong nước mà còn tiến xa trên sân chơi quốc tế.

4.jpg
Nhờ đầu tư công nghệ sản xuất, công ty TMD Việt Nam của doanh nhân Trần Văn Long (giữa ảnh) đang là đối tác quan trọng của các Tập đoàn tại Hoa Kỳ, Canada, Đức, Nhật Bản, Singapore và các công ty FDI tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Phường

Đóng góp cho phát triển địa phương

Không chỉ chú trọng phát triển doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân tỉnh Hưng Yên còn tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần cải thiện chất lượng đời sống và xây dựng môi trường phát triển bền vững.

Thống kê từ UBND tỉnh Hưng Yên, năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,7%. Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là từ khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 11,07%; khu vực thương mại và dịch vụ tăng 2,96%. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,25%, mức tăng cao trong vòng 5 năm trở lại đây, cho thấy sản xuất công nghiệp của tỉnh đang có sự phục hồi và phát triển.

Trong quá trình hoạt động, các doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đã tích cực thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tích cực ủng hộ chính quyền, người dân trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, tạo nên hình ảnh đẹp, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của doanh nghiệp và doanh nhân Hưng Yên chung tay thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Hiện, hơn 16 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong tỉnh đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh, thu nhập bình quân 10.000.000 đồng/người/tháng; đóng góp trên 80% tổng thu cân đối ngân sách toàn tỉnh. Đây chính là những minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm và tình yêu quê hương của đội ngũ doanh nhân Hưng Yên.

Năm 2024 là năm thử thách nhưng cũng là năm ghi nhận những bước tiến đáng tự hào của doanh nhân tỉnh Hưng Yên. Sự kiên định, sáng tạo, và tinh thần vượt khó của họ không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một Hưng Yên năng động, sáng tạo và thịnh vượng trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Hưng Yên: Bản lĩnh vượt sóng gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO