Bằng tất cả tình yêu với đất rừng, vợ chồng thương binh Nguyễn Thị Hồng Tươi đã dồn tâm lực tổ chức chăm nuôi, bảo vệ 512 héc-ta rừng tại Tiểu khu 379, xã Tuy Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Hạnh phúc là nhìn thấy… rừng an toàn
Trở về từ chiến trường với những vết thương do chiến tranh trên người nhưng vợ chồng thương binh Nguyễn Thị Hồng Tươi vẫn sẵn sàng bước vào một cuộc “chiến” mới, đó là cuộc chiến thương trường và giữ rừng.
Bà Tươi tâm sự: “ Tôi đến với nghiệp kinh doanh như một cơ duyên. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của quân đội, nhà nước cử tôi đi học ngành thương nghiệp và nghiệp kinh doanh như máu chảy trong huyết quản đến tận bây giờ”.
Mặc dù, trong người vẫn còn rất nhiều vết thương của chiến tranh, sau khi nghỉ hưu cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Tươi vẫn không nghỉ ngơi theo chế độ của Nhà nước, bà tiếp tục “nghiệp” kinh doanh với một công ty đa ngành.
Trở về từ chiến trường ác liệt, những năm tháng chiến đấu hào hùng, nữ chiến sĩ Hồng Tươi khi xưa đã được rừng che chở. Nay, khi cuộc chiến đã qua đi, người chiến sĩ ấy nuôi nguyện vọng giữ rừng để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,”.
Đứng trước thực trạng lâm tặc tàn phá các khu rừng nguyên sinh, vợ chồng doanh nhân Hồng Tươi đã xung phong tham gia bảo vệ rừng chiến khu D.
Bằng nguồn tài chính của gia đình, công ty B58 được thành lập do bà Tươi, ông Trường làm chủ đã xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn để gìn giữ, xây dựng hơn 512 héc-ta rừng Chiến khu D tại Tiểu khu 379, xã Tuy Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Vợ chồng bà cùng các cựu chiến binh ở đây không chỉ tâm huyết để cánh rừng này càng được nguyên vẹn mà còn kết hợp giữa du lịch sinh thái và “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử cho thế hệ sau.
Những người tham gia bảo vệ rừng đều là các người lính cụ Hồ năm xưa. Xung quanh 512 ha rừng có 6 chốt cửa, trưởng 6 chốt này đều là các cựu chiến binh với 40-50 năm tuổi Đảng là chốt trưởng, những chốt viên cũng là cựu chiến binh, con em cựu chiến binh.
30 công nhân của Công ty - phần đông là cựu chiến binh được ông bà nhận vào làm việc, đã tổ chức canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt 512 héc-ta rừng 24/24. Họ đã nhiều lần bị lâm tặc tấn công, gây thương tích nhưng với ý chí và quyết tâm của những cựu chiến binh kiên trung, rừng Chiến khu D vẫn tốt tươi. Công ty B58 được nhiều cơ quan từ T.Ư đến địa phương thanh tra, kiểm tra và đánh giá là một trong những công ty tư nhân bảo vệ rừng tốt nhất.
Chỉ có “thực mục sở thị” đến với rừng Tân Hòa, Đồng Phú, ngoại vi thành phố Đồng Xoài hôm nay, mới thấy được sự giàu đẹp của rừng Chiến khu D mà ông bà Tươi – Trường đang nhận trách nhiệm gìn giữ. Đi trong bạt ngàn 512 héc-ta rừng tựa như rừng nguyên sinh với hàng nghìn cây gỗ quý, đặc biệt có tới 54 “Cây Di sản”, ta mới hiểu được phần nào giá trị của “Rừng vàng” và đặc biệt tấm lòng vàng của vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi.
Khu rừng hiện có 54 loài cây thuộc 13 loài được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Trong rừng còn có hàng nghìn cây cổ thụ như bằng lăng, gõ mật, kơ nia, huỳnh đường, da, trường, bình linh…Nhiều cây có chiều cao từ 20-35m, đường kính 4-6m.
Về giá trị lịch sử, khu rừng này từng là trụ sở của Bộ Tư lệnh Miền Đông - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều vị lãnh đạo lão thành cách mạng từng hoạt động. Nơi đây vẫn còn giữ được dấu tích của hầm, hào, nhà ở, nhà làm việc, bệnh xá…còn lại từ thời kháng chiến gian khổ năm xưa.
Bà tươi nhấn mạnh: “Mất rừng hay không quyết định phần lớn ở người giữ rừng, nếu người giữ rừng có ý chí thì không bao giờ mất rừng được. Hạnh phúc của tôi là nhìn thấy… rừng an toàn.”
Và thực tế đã chức minh, hơn 10 năm qua, rừng chiến khu D không mất cây nào. Thậm chí, bà Tươi còn tự bỏ tiền ra để chăm sóc và bảo vệ rừng.
Với diện tích trên 512ha, rừng chiến khu D hiện đang là “lá phổi xanh” bảo vệ cho cả vùng Đông Nam Bộ. Khu rừng già quý hiếm, có cây đường kính 5-6 người ôm đầy vẻ kiêu hãnh đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi những cựu chiến binh từng được khu rừng này che chở...
Cái tâm của người lính
Không chỉ quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, CCB Hồng Tươi còn kinh doanh tổng hợp hàng hóa và đầu tư bất động sản.
Là người con của đất Thành Nam, vào bộ đội khi tròn 19 tuổi, trưởng thành trong gian khó, nay có của ăn của để, bà Tươi luôn nghĩ đến đồng chí, đồng đội và những người nghèo khó.
Với tinh thần và ý trí của người bộ đôi cụ Hồ năm xưa, bà Tươi tâm sự: “Kinh doanh là hướng tới lợi nhuận, nhưng với tôi, kinh doanh không đơn thuần có lợi cho mình mà phải mang lại nhiều lợi ích, ý nghĩa cho xã hội. Vợ chồng tôi luôn có một tâm niệm, mỗi năm sẽ dành một phần lợi nhuận để làm từ thiện, tri ân các đồng đội đã ngã xuống, hỗ trợ các thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng và đặc biệt là mong muốn gìn giữ rừng nguyên sinh chiến khu D – nơi gắn bó bao kỷ niệm một thời máu lửa.”
Tâm hướng thiện, mỗi năm ông bà đều trích ra từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng từ nguồn lãi của Công ty để làm từ thiện, tặng quà cho các đối tượng chính sách và đóng góp các loại quỹ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi được tặng thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều Bằng khen của các cấp, ngành và UBND tỉnh Bình Phước.
Công ty B58 do bà làm Chủ tịch cũng vinh dự được nhận Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018-2019 của Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam”.
Không biết bao nhiêu thương binh, bệnh binh, những người không may nhiễm chất độc màu da cam, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ nghèo… đã được vợ chồng bà giúp đỡ.
Năm 2019, ông bà dành ra 300 triệu đồng xây 5 ngôi Nhà tình nghĩa cho đồng đội, ủng hộ 1,5 tỷ xây nhà máy nước ngọt biển đảo.
Khi cả nước đang gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, bà đã chung tay ủng hộ 1,836 tỷ.
“Tổng số tiền vợ chồng tôi làm thiện nguyện tính đến thời điểm này đã đạt con số 8,936 tỷ. Từ thiện nhưng cũng phải có cái tâm thiện nguyện của mình”, bà Tươi bộc bạch.
Có thể bạn quan tâm
03:28, 01/06/2020
05:00, 30/05/2020
05:00, 26/05/2020
01:00, 25/05/2020
16:15, 21/05/2020