Ông Tạ Quyết Thắng là một doanh nhân được nhớ tới là người xây "cầu trăm tỉ" tặng người dân Hải Phòng. Ông vừa chuyển tới chúng tôi bức thư ngỏ tâm huyết ông gửi Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu nội dung bức thư tới bạn đọc.
Kính gửi: Ông Lê Văn Thành – Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng
Những ngày gần đây, người dân Hải Phòng vô cùng lo lắng về dự án nhà máy giấy của Trung Quốc đầu tư vào khu công nghiệp Đình Vũ. Song nhân dân đã rất nhanh chóng được thở phào nhẹ nhõm khi Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã tuyên bố lãnh đạo thành phố sẽ xem xét lại theo hướng không chấp nhận dự án này.
Theo tôi, đây là một sự sáng suốt khẳng định tâm và tầm của lãnh đạo thành phố đặc biệt là người đứng đầu. Chúng ta cần kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường tương tự như vậy!
Nhân sự việc này, là một người đã từng có những quan hệ làm ăn lâu năm với Trung Quốc tôi xin cung cấp thêm một số thông tin để chia sẻ với lãnh đạo thành phố Hải Phòng.
Thứ nhất, cách đây 5 năm, Trung Quốc được liệt vào một trong số quốc gia có môi trường ô nhiễm nặng nề do quá trình phát triển nóng của nền kinh tế. Người dân Trung Quốc đã hoảng sợ, rất nhiều người có tiền đã chạy ra nước ngoài mua đất và sinh sống. Thậm chí họ còn nghĩ tới vào lúc nào đó phải bỏ tiền ra mua không khí sạch.
Nhưng chỉ sau mấy năm Trung Quốc đóng cửa hàng loạt các nhà máy ô nhiễm và tẩy chay việc sử dụng các loại than đá và các dự án gây ô nhiễm, đến nay môi trường của Trung Quốc đã trở nên sạch sẽ và ít bị ô nhiễm. Thành công này của Trung Quốc khiến chúng tôi khi trở lại Trung Quốc phải kinh ngạc. Thế giới cũng rất nể phục. Quả là một thành công vĩ đại mà khó có một quốc gia nào làm được.
Ở Việt Nam, do trình độ quản lý yếu kém về môi trường nên tất yếu hiện tượng ô nhiễm như Trung Quốc sẽ xảy ra trong tương lai gần. Nhưng liệu chúng ta có làm như Trung Quốc được không? Đáng tiếc, câu trả lời là không vì hầu hết các nhà máy ở Việt Nam là của nước ngoài. Nếu chúng ta đóng cửa các nhà máy này Chính phủ phải bỏ ra số tiền tương đương giá trị đầu tư đền bù cho họ thì chúng ra lấy tiền ở đâu ra?
Theo tôi, thành phố Hải Phòng nên đầu tư hệ thống quan trắc môi trường thật thường xuyên để dự đoán chính xác về diễn biến ô nhiễm không khí và nguồn nước của Hải Phòng, sớm cảnh báo nguy cơ ô nhiễm... để quyết định đầu tư các dự án được không và đầu tư như thế nào?
Thứ hai, việc quản lý về môi trường của các ngành chức năng của Việt Nam rất yếu kém vì không hiểu biết nhiều về công nghệ và ấu trĩ về môi trường nên chủ yếu chỉ dựa vào hồ sơ ĐTM do chủ đầu tư gửi tới. Các nhà đầu tư nước ngoài họ rất hiểu Việt Nam nên khi làm hồ sơ ĐTM họ làm rất đẹp (như tập đoàn giấy Cửu Long Trung Quốc họ bảo là công nghệ 4.0 hiện đại nhất).
Có thể về hồ sơ thì họ nói như vậy để lọt qua các cơ quan quản lý nhưng đến khi làm thì ai biết được họ làm thế nào... Chúng ta đã có quá nhiều bài học nhãn tiền mà điển hình là Formusa ở Hà Tĩnh. Bởi vậy, không nên quá tin vào báo cáo ĐTM cho dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và cấp phép.
Thứ ba, trong nhiều năm qua các nước phát triển trên thế giới đã ngừng và từng bước tẩy chay các ngành công nghệ gây nhiều ô nhiễm (công nghiệp bẩn) được tập trung vào một số lĩnh vực sau đây: Khai thác mỏ; Luyện kim – Xi măng – Nhiệt điện – Hóa chất (phân bón, sơn, giấy); Sửa chữa và đóng mới tàu biển; Lọc hóa dầu...
Đối chiếu với Hải Phòng thì chúng ta hội tụ gần đủ các ngành công nghiệp bẩn chỉ còn thiếu lọc hóa dầu nên Hải Phòng là một thành phố công nghiệp bẩn chứ không phải là thành phố công nghiệp xanh như chúng ta đang mong muốn.
Ngoài ra, thế giới còn liệt kê những ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện năng và nguồn nước sạch coi là công nghệ bẩn. (Sản xuất giấy là ngành sản sử dụng nước sạch lớn nhất, theo như số liệu của tiến sĩ Tô Văn Trường thì nhà máy giấy của Tập đoàn giấy Cửu Long Trung Quốc đầu tư vào Đình Vũ Hải Phòng mỗi ngày cần 30.000 m3 nước sạch – thật quá kinh khủng, không những nó tiêu hủy lượng nước sạch mà sau đó đẩy lượng nước bẩn tương đương ra cửa biển, uy hiếp 2 khu bãi tắm của du lịch Cát Bà và Đồ Sơn).
Thứ tư, ngày 28/12/2008 là ngày khởi công khu công nghiệpThẩm Hải tại An Dương với quy mô 800 ha được coi là ngày kinh hoàng, là một cơn ác mộng của người dân Hải Phòng như tôi.
Ai cũng biết rằng chiến lược đóng cửa các nhà máy ô nhiễm ở Trung Quốc tất yếu các nhà máy phải di tản sang các nước lạc hậu như châu Phi. Và Việt Nam là mảnh đất lý tưởng vì địa lý tiếp giáp với Trung Quốc. Cũng may ông trời đã thương ... nên dự án này triển khai ì ạch và đến nay thu hẹp chỉ còn 200 ha.
Nếu chúng ta không có phương án quản lý chặt chẽ về môi trường thì chắc chắn 200 ha này sẽ là khu công nghiệp bẩn và nếu vậy nó sẽ làm hỏng ngay nguồn nước sạch chủ yếu đang cung cấp vào thành phố. Hai nhà máy nước An Dương và Vật Cách từ nguồn nước sạch Kim Thành Hải Dương đi qua khu công nghiệp này (trong đó nhà máy nước An Dương là 140.000m3/ngày và nhà máy nước Vật Cách là 37.000 m3/ngày nằm ngay sát khi công nghiệp, tổng chiếm 70,5% lượng nước sạch của 9 nhà máy nước trên thành phố với). Và nó còn ảnh hưởng gián tiếp tới nguồn nước từ sông Đa Độ cấp vào phía Nam thành phố.
Nếu tình hình trên xảy ra, lúc đó thành phố chỉ còn một nguồn nước duy nhất là sông Giá, Thủy Nguyên. Trong khi nguồn nước bị cạn kiệt và đe dọa ô nhiễm mà nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng cao thì chúng ta sẽ xử lý vấn đề này thế nào? Vấn đề này vô cùng nguy hiểm mà chúng ra lại chưa hề nghĩ tới.
Bởi vậy, nhân đây tôi muốn kiến nghị với thành phố phải thiết lập ngay một chế tài đặc biệt với khu công nghiệp An Dương về vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Song song với nó là thiết lập một số trạm quan trắc thường xuyên để cảnh báo kịp thời cho các chủ đầu tư xử lý sớm ngay từ đầu. Công bố các dự án nào được đầu tư và không được đầu tư.... Nếu không, khi họ đã đầu tư thì việc xử lý là cực kỳ phức tạp nếu không muốn nói là bế tắc.
Có thể bạn quan tâm
16:21, 26/07/2018
11:58, 29/07/2018
11:59, 25/07/2018
05:00, 25/07/2018
17:39, 20/07/2018
14:22, 20/07/2018
16:53, 19/07/2018
Thứ năm, cất nhắc bổ nhiệm người đứng đầu quản lý các khu công nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường phải là những người có kiến thức và kinh nghiệm về môi trường. Kiên quyết lấy tiêu chuẩn bảo vệ môi trường là tiêu chuẩn đầu tiên và bắt buộc của mỗi dự án (vì khi môi trường bị phá hủy thì hiệu quả kinh tế sẽ chỉ là số không và số âm).
Phải có nhận thức nguồn nước sạch và bầu không khí sạch là nguồn tài nguyên quý hiếm nhất, nó sẽ cạn kiệt dần do quá trình khai thác và sử dụng bừa bãi của con người. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải triệt để bảo vệ giữ gìn nguồn tài nguyên này nếu không chính chúng ta tự tìm đến con đường chết.
Thứ sáu, hãy xem xét thận trọng với những dự án đầu tư đến từ Trung Quốc bởi vì nó kèm theo là vấn đề di cư (họ sử dụng lao động Việt Nam rất ít). Đây là vấn đề khá phức tạp. Trong nhiều trường hợp, cái được của chúng ta (nguồn thu ngân sách và việc làm) rất thấp nhưng cái mất thì vô cùng to lớn là môi trường bị ô nhiễm. Cùng với đó, việc quản lý xã hội cũng sẽ vô cùng phức tạp vì nó liên quan tới kiều dân Trung Quốc. Nhận thức này chúng ta phải thuộc lòng để có quyết định chính xác khi tiếp nhận các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết luận, việc dừng việc tiếp nhận dự án sản xuất giấy ở Đình Vũ là một quyết định sáng suốt được dư luận cả nước và đặc biệt là người dân Hải Phòng hoan nghênh. Người dân Hải Phòng ngày càng vững tin vào sự lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng từ những quyết định như vậy. Hy vọng lòng tin này được giữ vững và ngày càng được củng cố.
Chúc Bí thư Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng mạnh khỏe để lãnh đạo thành phố ngày càng phát triển bền vững!