Doanh nhân trẻ trở về từ Mỹ chỉ ra 3 vấn đề của startup Việt cần quan tâm khi khởi nghiệp: Cuộc chiến giá rẻ, khó scale-up ra nước ngoài và chưa quan tâm trải nghiệm khách hàng.
Tại Việt Nam, để khởi nghiệp không khó, vì thị trường đang trong thời gian sơ khai nên ở đâu cũng có vấn đề mà các startup có thể giải quyết. Và thật không may, do toàn vấn đề cơ bản, nên nó không xuất hiện ở các nước tiên tiến còn tại các nước phát triển như Việt Nam lại có startup bản địa làm rồi. Hơn nữa, trải nghiệm khách hàng của startup Việt còn yếu, tệ hơn cả láng giềng Indonesia.Mai Sao Lonsdale của Lixibox là một nhà khởi nghiệp khá đặc biệt ở thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Cô là kiểu người không bao giờ chịu ngồi yên và an phận mà luôn muốn tìm tòi thử sức.
Lúc đang yên vị với công việc tốt nhàn nhã là Quản trị tài chính cho Morgan Stanley, cô đột ngột nghỉ việc để ra tập tành kinh doanh tại Sanfrancisco. Cách đây 5 năm, Mai Sao lại có một quyết định khác làm ngỡ ngàng nhiều người, khi rời bỏ môi trường khởi nghiệp đã trưởng thành như ở Mỹ để về môi trường khởi nghiệp còn sơ khai như Việt Nam và khởi nghiệp 1 lần nữa.
"Trong thời gian đầu khởi nghiệp tại Việt Nam, mọi chuyện không hề tốt như dự định. Nhận thấy mảng thương mại điện tử chưa có nhiều tay chơi lớn tham và rất tiềm năng trong tương lai, tôi cùng một nhóm khá tốt đã khởi sự ở mảng này. Tuy nhiên, sau khi ‘đốt hết tiền’ và không có nhà đầu tư mới, dự án đã thất bại.
Nhưng, nói như mọi người hay nói, sau thất bại chúng ta sẽ có những bài học. Nhìn lại những dữ liệu mà chúng tôi thu thập được trong thời gian khởi nghiệp đó, có 2 thứ bán rất chạy là băng vệ sinh và mỹ phẩm. Mà thị trường mỹ phẩm Việt Nam vẫn đang rất tiềm năng. Ngoài ra, tôi thấy mô hình sử dụng micro influencer đang rất thành công tại Mỹ. Chính tôi cũng đã đầu tư vào một vài công ty về micro influencer ở Mỹ.
Thế là, Lixibox ra đời, bán mỹ phẩm online và sử dụng sức mạnh của các micro influencer. Tuy nhiên, sau 5 năm, mô hình kinh doanh của chúng tôi đã thay đổi rất nhiều", Mai Sao Lonsdale kể về cơ duyên ra đời của Lixibox.
Với rất nhiều trải nghiệm ở thị trường khởi nghiệp của nhiều quốc gia, theo Mai Sao Lonsdale, hiện các startup tại Việt Nam đang gặp 3 vấn đề khá nghiêm trọng. Thứ nhất, giá cả luôn là cuộc chiến cân não; thứ hai khả năng scale-up thấp do giải quyết vấn đề quá cơ bản và chưa quan tâm trải nghiệm khách hàng.
"Đầu tiên, lúc tôi nêu ý định sẽ về Việt Nam lập nghiệp, nhiều người đã ngăn cản, nhưng tôi kiểu ‘điếc không sợ súng’. Lúc đó, tôi còn nghĩ, thị trường Việt Nam sẽ giống như thị trường Mỹ, chỉ cần mình đưa ra dịch vụ/sản phẩm tốt hơn thị trường, thì không sợ không có khách hàng tìm đến.
Nhưng sự thật là, khách hàng Việt vẫn ưu tiên về giá hơn cả. Trên thị trường, các sản phẩm/dịch vụ vẫn đánh nhau về giá, so kè từng 10 nghìn – tức khách hàng sẽ mua sản phẩm của bạn khi nó rẻ hơn đối thủ khoảng 10 nghìn. Với thực trạng đó, Lixibox vẫn khó thu hút khách hàng hơn các sàn thương mại điện tử khác, nhưng nếu ai đã trở thành khách hàng của chúng tôi, họ đều rất thích vì dịch vụ tiện dụng mà sản phẩm lại đẹp.
Thậm chí, không ít khách hàng trung thành của Lixibox còn tự chia sẻ thông tin và kêu gọi người thân mua hàng của chúng tôi. Thế nên, giá trị khách hàng của chúng tôi có thể nhiều hơn các thương hiệu khác", CEO Lixibox chia sẻ trong Shark Tank Forum 2020 – Định nghĩa lại tương lai.
Với cô và cả Lixibox, bài toán về giá luôn cân não. Mức giá như thế nào để vừa thu hút được khách hàng vừa có lời? Nếu như xuống giá, sau này muốn lên giá thì có được hay không và làm như thế nào? Muốn thu hút một số lượng khách hàng mình đề ra, mức giá cần điều chỉnh như thế nào là hợp lý? Khi công nghệ đã tốt hơn rồi thì có nên giảm giá nữa?
Câu hỏi về giá thì rất nhiều, nhưng để giảm giá thành sản phẩm chỉ có một cách: chúng ta phải vận hành mô hình kinh doanh thật tốt và scale-up thật nhanh bằng công nghệ.
Ngoài câu chuyện giá cả, câu chuyện scale-up ra nước ngoài cũng rất khó giải với các startup Việt.
"Tại Việt Nam, để khởi nghiệp không khó, vì thị trường đang trong thời gian sơ khai nên ở đâu cũng có vấn đề mà các startup có thể giải quyết. Tôi từng ao ước là có hẳn 10 Sao Mai để khởi nghiệp vì còn rất nhiều ‘đất diễn’.
Điểm thuận lợi thứ hai, khách hàng Việt Nam vẫn còn rất dễ tính, khi hầu hết họ vẫn chưa được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất thế giới, thế nên họ ít đòi hỏi. Chỉ cần startup giải quyết được vấn đề bằng công nghệ, tối ưu hóa chúng và giúp xã hội tốt hơn hiện tại, mọi người đã hài lòng. Các startup có nhiều cơ hội để thử nghiệm.
Dữ liệu quá rẻ. Tôi hay nói vui, tại Việt Nam, chúng ta chỉ cần đưa cho ai đó một vài cây kẹo là có đủ data", Mai Sao Lonsdale nêu 3 điểm thuận lợi của thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, thật không may, những điểm thuận lợi nói trên ở thị trường quốc nội lại trở thành điểm yếu cho các startup Việt Nam khi muốn scale-up. Bởi vậy, rất nhiều tỷ phú người Việt về Việt Nam chơi, dù thấy thị trường tiềm năng nhưng không đầu tư, bởi họ thấy rõ các startup Việt sẽ rất khó để scale-up ra nước ngoài.`
Do các startup thường chỉ giải quyết những vấn đề cơ bản của cuộc sống và xã hội, nên nó không xuất hiện ở các nước tiên tiến trong khi các nước phát triển như Việt Nam lại có startup bản địa làm rồi. Đã thế, trước đây, các startup hoặc founder Việt chưa chú trọng đến trải nghiệm khách hàng. Nguyên do có thể họ thiếu tầm nhìn hoặc không có nhân tài trong mảng này hay có thể do khách hàng Việt vẫn còn quá dễ dãi và dễ hài lòng như đã nói ở trên.
Các startup tại Indonesia đang làm rất tốt mảng này và họ đi trước Việt Nam mình rất nhiều. Hiện tại, các bạn trẻ Việt Nam nên cân nhắc chọn nghề thiết kế trải nghiệm khách hàng (UX) và giao diện khách hàng (UI) nếu muốn tìm được công việc tốt sau khi ra trường.
Ngoài ra, nội lực của các startup Việt vẫn còn yếu so với xung quanh bởi nhân viên trẻ vẫn tiếp tục ‘kính trên nhường dưới’, chưa đi ra khỏi những giới hạn mà bản thân mình tự đưa ra. Các nhân viên chưa thực sự xem mình là một phần của công ty, nên họ vẫn chưa làm tốt hơn nhiệm vụ được giao – giống như tinh thần tiêu biểu của các startup trong Silicon Valley.
"Theo dự đoán của tôi, để những điểm yếu nói trên biến mất, giới startup Việt cần thay máu một thời gian", Mai Sao Lonsdale kết luận.