Doanh nhân Việt hãy nghĩ về di sản kinh doanh

Song Linh thực hiện 25/02/2020 13:01

Doanh Nhân có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group xung quanh các chủ đề về việc áp dụng chính sách luật pháp và trăn trở của doanh nghiệp hiện nay.

- Thưa Luật sư, dịp đầu năm là thời điểm có nhiều cảm xúc với mỗi một doanh nhân. Cảm xúc của ông vào năm bắt đầu thập kỷ như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group

Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group.

Rất cảm xúc! Năm 2020 là năm cột mốc của nhiều doanh nghiệp và cá nhân mỗi doanh nhân khi bắt đầu một thập kỷ kinh doanh năng động.

Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đang được nâng cao khi chúng ta là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch ASEAN, Hiệp định EVFTA, EVIPA và nhiều điều kiện thuận lợi để kinh tế đất nước “cất cánh”, kinh tế tư nhân bước vào một… thế trận mới. “Cất cánh” - đó là từ tôi nhấn mạnh khi cảm nhận lạc quan về tình hình kinh tế đất nước.

Mặc dù sau Tết cổ truyền, giới doanh nhân cũng như nhiều hoạt động kinh doanh đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh toàn cầu, nhưng bước dừng lại như vậy cũng là tốt để nhìn thấu một điều gì đó cho tương lai. Với doanh nhân và doanh nghiệp, theo tôi đó là di sản kinh doanh.

- Di sản kinh doanh, cụ thể đó là gì vậy, thưa ông? Có phải là những gì tốt đẹp họ để lại sau này hay không?

Gần như là vậy và có thể mở rộng hơn điều đó, tùy vào sứ mệnh kinh doanh của doanh gia đó. Di sản, xét trong bối cảnh hiện đại có thể là một khối tài sản lớn hợp pháp để những người sống trong cùng thế hệ mình thụ hưởng, có thể tạo ra những tác động tích cực đến xã hội ảnh hưởng đến nhiều năm sau … hoặc cũng có thể là góp phần thay đổi chính sách, thể chế hiện nay để người đi sau có lợi. Di sản có thể được xác định ngay bởi doanh nhân tại thời điểm họ sinh sống, bao gồm di sản hữu hình và di sản vô hình, và tốt nhất là phù hợp để pháp luật bảo vệ.

Doanh nhân cần xây dựng (hoặc rà soát lại) chiến lược pháp lý và quản trị cho sự nghiệp kinh doanh của mình. Chiến lược đó cần đúng với tầm nhìn, sứ mệnh và di sản kinh doanh mà doanh chủ muốn để lại.

Tôi lấy ví dụ, nhà sáng lập giải Nobel để lại tài sản hữu hình là một khoản tài chính, nhưng để duy trì di sản giải Nobel, đó phải là di sản vô hình được kế thừa và tiếp nối. Một điều đương nhiên rằng, di sản đó phải có sự thừa nhận của quốc gia nơi doanh nhân đầu tư kinh doanh. Hay nói cách khác, di sản kinh doanh cần được pháp luật bảo vệ, cần sự đảm bảo pháp lý đối với di sản.

- Doanh nhân Việt Nam chúng ta có thể học hỏi nền văn minh nào hay quốc gia nào về việc để lại di sản vậy, thưa ông?

Trước hết hãy nhìn vào lịch sử và hiện tại của doanh nhân Việt Nam thử xem. Nếu tôi hỏi bạn, những doanh nhân nào của Việt Nam hiện nay nếu họ mất đi, 100 năm nữa, ai sẽ nhắc đến tên họ? Và nhắc vì điều gì?

Quay về lịch sử, chúng ta nhớ lại những ông tổ nghiệp kinh doanh Việt Nam, từ cụ Lương Văn Can hay Bạch Thái Bưởi, họ đã làm gì ở thế hệ của họ và chúng ta có điều gì hôm nay.

Ở Mỹ có những bộ óc thiên tài như Steve Jobs, Bill Gates hay Elon Musk. Chúng ta quan sát họ và suy nghĩ điều gì về di sản kinh doanh mình tạo ra. Hay chúng ta có thể nhìn các dòng tộc ở Nhật hay Hàn Quốc đang tạo ra các di sản kinh doanh đương đại. Và chúng ta cũng có thể suy nghĩ nền văn minh phương Tây hay “Con đường tơ lụa” có điều gì để tham khảo. Chính chúng ta nhìn vào thực lực và “thể trạng” của mình để xác định sứ mệnh, tầm nhìn và di sản cho đời sau là gì.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc chia sẻ tại chuỗi Hội thảo Pháp Lý Trong Kinh Doanh do viện FSB tổ chức.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc chia sẻ tại chuỗi Hội thảo Pháp Lý Trong Kinh Doanh do viện FSB tổ chức.

- Có vẻ doanh nhân Việt cần làm rất nhiều việc để có được điều đó đúng không?

Doanh nhân thường có sứ mệnh chung là thông qua việc kinh doanh để giải quyết một hoặc nhiều vấn đề nào đó của xã hội, mang lại giá trị và làm giàu cho bản thân, xã hội. Một doanh nhân thành công chỉ có thể chi tiêu khoảng 10 - 20% tài sản họ tạo ra cho cho cuộc sống và gia đình. Vậy họ cố gắng đưa doanh nghiệp phát triển hay giàu có là vì điều gì? Suy nghĩ vậy để chúng ta đồng cảm hơn, yêu quý hơn những nổ lực kinh doanh mà giới doanh nhân đang và sẽ làm được.

Doanh nhân thế hệ 6x và 7x đang ở đỉnh cao. Hãy cùng chờ đợi xem họ sẽ tạo ra các di sản ra sao cho đời sau từ công việc hôm nay.

Ở một góc nhìn khác, tôi đang rất lạc quan về thế hệ doanh nhân khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) hiện nay. Họ là hiện thân những gì gọi là “mới”, để thay đổi và đi về phía trước. Sự đồng hành của Chính phủ trong việc kiến tạo hành lang pháp lý tốt cho khởi nghiệp chính là “phép mầu” để nhóm doanh nghiệp này trở thành tiên phong trong khối kinh tế tư nhân ở thập kỷ tới.

- Có mâu thuẫn hay không, thưa ông, khi càng ngày chúng ta chứng kiến không ít doanh nhân vướng tù tội khi làm giàu bất hợp pháp? Họ không phải là doanh nhân hay sao?

Không mâu thuẩn nhưng đó là điều cần suy nghĩ! Có ba nhóm doanh nhân vướng rủi ro pháp lý dẫn đến tù tội. Một là họ thiếu hiểu biết luật pháp nên chịu rủi ro. Hai là họ biết rõ sai trái nhưng vẫn bất chấp, hành động với tư duy “con buôn”. Và nhóm còn lại, họ biết rõ pháp luật chưa có quy định hoặc quy định không rõ ràng, nhưng muốn là người tiên phong để xã hội được lợi, người khác được lợi hợp pháp. Ở góc nhìn đó, tôi tôn trọng những người ở nhóm thứ 3 này.

Tinh thần thượng tôn pháp luật của doanh nhân Việt là vấn đề tôi luôn trăn trở. Nếu việc thực thi chính sách chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc hơn, đó có thể là điều cần cân nhắc kỹ của nhà làm luật tại một nền kinh tế mới nổi với chưa đầy 1 triệu doanh nghiệp (cho một quốc gia gần 100 triệu dân) như Việt Nam. Dẫu vậy, chính bản thân doanh nghiệp họ phải tự đảm bảo bản thân họhoạt động hợp pháp. Cho đến nay, chỉ có những doanh nghiệp có điều kiện,họ mới chú trọng vấn đề luật pháp và chuẩn chỉnh hành vi kinh doanh đúng luật của mình ngay từ đầu.

- Ông cũng vừa cho ra mắt bộ sách Pháp Lý Trong Kinh Doanh, có vẻ như đó là nỗi trăn trở của một luật sư mong muốn đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp?

Đúng vậy! Một luật sư như tôi chỉ có thể giúp sức cho 10 thân chủ tại một thời điểm. Các doanh nghiệp của tôi cung cấp chuỗi dịch vụ pháp lý, nhưng hạn chế số lượng khách hàng. Số lượng luật sư Việt Nam tính trên tỷ lệ dân số rất thấp, gần 10.000 người mới có một luật sư, số lượng này còn khiêm tốn nếu xét về năng lực chuyên môn để phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • [ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] 7.000 tỷ đồng

    [ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] 7.000 tỷ đồng "cứu trợ" đang ở đâu?

    05:50, 25/02/2020

  • [VANG BÓNG MỘT THỜI] Cú ngã quỵ của Gỗ Trường Thành

    [VANG BÓNG MỘT THỜI] Cú ngã quỵ của Gỗ Trường Thành

    03:07, 25/02/2020

  • Giấc mơ vỡ vụn của ông chủ Vinaxuki

    Giấc mơ vỡ vụn của ông chủ Vinaxuki

    10:20, 24/02/2020

  • VCCI Đà Nẵng hiến kế giúp doanh nghiệp vượt “bão SARS-CoV-2

    VCCI Đà Nẵng hiến kế giúp doanh nghiệp vượt “bão SARS-CoV-2"

    00:00, 24/02/2020

  • [DOANH NGHIỆP VƯỢT KHỦNG HOẢNG] Kangaroo với tâm thế “kẻ dẫn dắt thị trường”

    [DOANH NGHIỆP VƯỢT KHỦNG HOẢNG] Kangaroo với tâm thế “kẻ dẫn dắt thị trường”

    12:10, 23/02/2020

Trước đây tôi có thời gian dài vừa làm luật sư vừa làm giảng viên thỉnh giảng cho các viện, trường đào tạo MBA, khóa CEO hay cấp quản lý doanh nghiệp (C-level). Thời gian này không cho phép tôi làm điều đó nữa, viết sách để chia sẻ từ công việc thực tiễn có vẻ là công việc phù hợp để tôi giúp sức cho anh chị em doanh nhân và nhà quản lý doanh nghiệp.

Đó là bộ sách 5 tập theo những chủ đề, bao gồm Doanh Nghiệp – Quản Trị - Tài Sản – Giao Dịch và Hội Nhập. Bộ sách Pháp Lý Trong Kinh Doanh là tâm huyết nghề nghiệp của tôi dành cho giới doanh chủ đang kinh doanh tại Việt Nam. Độc giả chỉ cần vài giờ đọc sách thì có thể tự trang bị kiến thức pháp lý cần thiết, áp dụng ngay vào công việc kinh doanh của mình.

- Ở vai trò luật sư, ông có lời khuyên gì cho các doanh nhân hiện nay?

Tôi không dám khuyên, chỉ chia sẻ quan điểm. Doanh nhân cần xây dựng (hoặc rà soát lại) chiến lược pháp lý và quản trị cho sự nghiệp kinh doanh của mình. Chiến lược đó cần đúng với tầm nhìn, sứ mệnh và di sản kinh doanh mà doanh chủ muốn để lại. Doanh nhân có thể bắt đầu viết di chúc, ngay cả khi khỏe mạnh và ở đỉnh cao sự nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Việt hãy nghĩ về di sản kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO