[ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] 7.000 tỷ đồng "cứu trợ" đang ở đâu?

Diendandoanhnghiep.vn Nguồn vốn 7.000 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam lẽ ra phải được sử dụng trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng đến nay, chưa một hạng mục nào được thi công trên tuyến.

4 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu, với tổng nguồn vốn 7.000 tỷ đồng đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt vào cuối năm 2019. Tuy nhiên chưa có gói thầu xây lắp đầu tiên sử dụng nguồn vốn này được khởi động.

Mịt mờ ngày hoàn thiện

Tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam được đánh giá đã xuống cấp ở mức trầm trọng từ nhiều năm nay. Nhiều nhà ga, cầu, hầm của tuyến đường cần được nhanh chóng được tu sửa, gia cố vì nó liên quan đến an toàn đường sắt. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sau nhiều lần đề xuất, cuối cùng dự án cũng đã được Quốc hội phê duyệt đầu tư, cải tạo.

Dự kiến tháng 10/2020 sẽ khởi công hai dự án cải tạo công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Sài Gòn

Dự kiến tháng 10/2020 sẽ khởi công hai dự án cải tạo công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Sài Gòn.

Theo đó, nguồn vốn để đầu tư cho dự án thuộc nguồn dự phòng đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Tổng vốn là 7.000 tỷ đồng. Quý IV/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức phê duyệt nguồn vốn này. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt vào cuối năm 2019.

Như vậy, đến hết năm 2020, tức còn chưa đầy 1 năm nữa, việc nâng cấp, cải tạo hệ thống đường sắt Bắc - Nam phải hoàn thành thì mới đảm tiến độ. Tuy nhiên, đến nay, chưa dự án thành phần nào được tiến hành thi công. Dự kiến phải đến tháng 10/2020 mới khởi công hai dự án cải tạo công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Sài Gòn và hoàn tất vào năm 2021. Còn lại, tất cả vẫn nằm trên giấy tờ.

Được biết, 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM có tổng nguồn vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 ngày 31/7/2018 về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Việc cải tại, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam lần này được chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống xô va trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, tổng đầu tư 1.950 tỷ đồng; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Ban quản lý dự án (PMU) 85 và PMU Đường sắt, hai đơn vị thuộc Bộ GTVT được giao là đại diện chủ đầu tư của 4 dự án trên.

Khó khăn vì "chuyển nhà"?

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, trước đây, Bộ GTVT giao cho VNR là một trong hai đơn vị thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam. Tuy nhiên, VNR vừa chuyển từ Bộ GTVT vể trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên hiện nay “Tổng” này không tham gia làm chủ đầu tư, dù trước đó toàn bộ công tác chuẩn bị dự án đều do “một tay” VNR thực hiện. Hiện thẩm quyền chủ đầu tư đã chuyển từ VNR sang PMU 85.

Sau thay đổi "hình hài” đơn vị chủ quản, do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật, VNR không được giao dự toán ngân sách bảo trì hạ tầng đường sắt, quản lý vốn,… dẫn đến thiếu tính chủ động và phá vỡ điều hành tập trung thống nhất trong bảo đảm an toàn, có thể dẫn tới khả năng phải dừng chạy tàu.

Trong buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao diễn ra mới đây, ông Minh đã đưa ra những cảnh báo về việc có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc do những bất cập trong vấn đề giao dự toán ngân sách cho ngành hiện nay.

Những bất cập này theo ông Minh là do VNR không được giao công tác bảo trì, nâng cấp trong khi vẫn được giao quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường sắt quốc gia.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã gửi văn bản đến nhiều nơi để xin hướng xử lý. Nhưng đến ngày 20/2, Tổng công ty Đường sắt vẫn chưa nhận được dự toán, điều này khiến trên 11.000 người chưa có tiền lương từ đầu năm 2020 đến nay, dẫn đến nguy cơ phải dừng chạy tàu là khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho rằng, để xử lý bất cập này, hiện có 2 phương án, Tổng công ty Đường sắt cũng đã báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thứ nhất, nếu Tổng công ty Đường sắt tiếp tục thuộc Ủy ban Quản lý vốn thì phải sửa toàn bộ hệ thống pháp lý để làm sao Tổng công ty Đường sắt hoạt động được và phải sửa từ Luật Đường sắt, Luật quản lý tài sản công, Luật ngân sách...

Dù có vậy thì vẫn còn khó khăn, bởi Tổng công ty Đường sắt ngoài là doanh nghiệp công ích thì còn là đơn vị quản lý khai thác hạ tầng. Tổng công ty Đường sắt thuộc Ủy ban Quản lý vốn, bộ máy vận hành, con người về Ủy ban nhưng hạ tầng lại do Bộ GTVT quản lý, như vậy “đầu đi chân ở lại” cũng không còn là điều hành tập trung thống nhất.

“Vì vậy, nếu Tổng công ty Đường sắt chuyển về Ủy ban Quản lý vốn thì phải chuyển toàn bộ kết cấu hạ tầng giao thông về cho Tổng công ty. Nhưng sửa luật thì rất mất thời gian và hơn nữa, Luật cũng không sinh ra để chỉ dành riêng cho 1 doanh nghiệp”, ông Vũ Anh Minh nhìn nhận.

Phương án thứ 2, chuyển lại Tổng công ty Đường sắt về Bộ GTVT quản lý, nếu vậy chỉ phải sửa lại phụ lục của Nghị định 131 là Tổng công ty Đường sắt không còn ở Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nữa, phương án này đơn giản hơn.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh, khi chuyển VNR về Ủy ban thì chỉ chuyển doanh nghiệp với quản lý vốn chủ sở hữu doanh nghiệp về, còn hạ tầng vẫn do Bộ GTVT quản lý, dẫn đến tình trạng "đầu đi, chân ở lại”.

Nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn này, ông Vũ Anh Minh kiến nghị cấp trên giao VNR về lại Bộ GTVT và sớm giao gói 7.000 tỷ đồng cho VNR để hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các dự án cấp bách của ngành.

Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vướng mắc trong việc giao vốn bảo trì là khó khăn lớn nhất hiện nay khi chuyển giao VNR về Ủy ban. Vốn duy tu, bảo dưỡng bị "kẹt” vì hiện các quy định pháp luật chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến khó khăn trong duy trì hoạt động bình thường của VNR. Chính vì vậy, đã có ý kiến cho rằng, cách nhanh chóng và đơn giản nhất trong tình thế hiện nay là tạm thời chuyển VNR về lại Bộ GTVT quản lý trong giai đoạn chờ xây dựng hành lang pháp lý.

Ngày 11/2/2020 mới đây, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ những vướng mắc về quy định pháp luật, khó khăn trong cơ chế giao vốn bảo trì hằng năm sau khi VNR chuyển về Ủy ban. Khi VNR không được giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản, sẽ dẫn đến việc tổ chức duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng hạ tầng đường sắt gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong nhiệm vụ xây dựng, ban hành, công bố công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia,…

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho VNR. Về lâu dài, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng báo cáo Quốc hội cho phép Bộ được giao dự toán cho VNR đến hết năm 2025. 

Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên hệ với nhiều cơ quan quản lý nhưng dường như "đường sắt cần, quan không vội".

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] 7.000 tỷ đồng "cứu trợ" đang ở đâu? tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714224605 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714224605 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10