Đường sắt Việt Nam: Nghịch cảnh già nhưng… không lớn! (Bài I)

Diendandoanhnghiep.vn Có bao giờ bạn nghe được câu mời gọi "hãy đến với chúng tôi để được tận hưởng dịch vụ tốt nhất" từ ngành đường sắt?

Tính từ thời điểm người Pháp xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, đến nay ngành đường sắt Việt Nam (ĐSVN) tròn 138 tuổi, trừ một vài nước châu Âu và Mỹ, ĐSVN xứng đáng ngồi vào mâm cao niên trên thế giới.

Cũng nên biết rằng, thực dân Pháp có thuộc địa rộng khắp trên toàn cầu, song Sài Gòn - Mỹ Tho là tuyến đường sắt thứ 2 mà người Pháp xây dựng bên ngoài lãnh thổ, mọi nguyên vật liệu, công nghệ chạy tàu đều được mang sang từ châu Âu.

Những người đang làm việc trong ngành đường sắt hẳn rất tự hào về lịch sử này, nhưng có lẽ, họ trung thành quá lâu với những thứ vốn phải bỏ đi nên ĐSVN vẫn khoác trên mình tấm áo cũ kỹ, lạc hậu. Chuyện này chẳng mới mẻ gì cả, tuy nhiên cơ thể yếu mòn ấy đã sức cùng lực kiệt, bây giờ không nói - còn chờ đến lúc nào?.

Ngay tại trung tâm thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tuyến đường sắt Bắc-Nam giao cắt với đầu mối của 3 trục đường bộ huyết mạch. Nhìn vào đây sẽ thấy phần nào đó hình ảnh hiện tại của ĐSVN.

Hai bên đường là 2 bốt gác, cứ 30 phút một lần hai nhân viên với cây cờ màu vàng, quan sát bằng mắt, thổi còi bằng miệng, kéo đẩy gác chắn ì ạch bằng tay để chặn dòng người ngồn ngộn lúc đoàn tàu hục hặc chạy qua. Có khi nhân viên còn phải “đấu tranh” với những người liều mạng!

Rất dễ tìm thấy sự lạc hậu, cũ kỹ của ĐSVN

Rất dễ tìm thấy sự lạc hậu, cũ kỹ của ĐSVN

Cách trung tâm Đông Hà 15km hướng ra Bắc, có một nút giao giữa đường bộ và đường sắt tại Kp5 thị trấn Gio Linh thật sự là nỗi kinh hoàng. Vừa tuột khỏi Quốc lộ 1A, xuống con dốc lại phải trả số, nhấn ga để trèo qua hai thanh ray mòn. Không khác gì vừa bước qua cửa…thần chết!

Ở đây không có ai cả, tính mạng, sự an toàn của con người đôi lúc may rủi, hên xui, có những trường hợp lao vút qua trước đầu tàu, dừng xe vuốt ngực cho bớt cảm giác quả tim như nhảy ra ngoài. Cũng không hiếm trường hợp “chẳng còn gì” khi va chạm với khối kim loại nặng nề ấy!

Từ Bắc vào Nam, còn bao nhiêu điểm giao cắt nguy hiểm, hoạt động thủ công, lạc lậu như vậy? Con số đã được thống kê rõ ràng, ai cũng biết, nhưng chỉ thực sự “nóng” lên khi có một vụ tai nạn đường sắt nào đó tang thương. Bằng không, người ta vẫn xem đó là bình thường!

Một ngày cuối tháng 2/2018, tại ga Dầu Giây (Đồng Nai) tàu chở khách SE25 được lệnh vào ga để tránh tàu hàng ASY2. Nhưng chẳng hiểu sao tàu SE25 vẫn được thông ga trong khi ASY2 sắp vào ga.

Một cuộc điện thoại thủ công khẩn cấp phát đi cho hai lái tàu, rất may hai đoàn tàu đối đầu chỉ cách nhau… chừng 10m! Trước đó, giữa năm 2017, hai đoàn tàu khách SE1 và SQN2 suýt tông nhau trực diện tại ga Suối Vận.

Nhưng chừng đó cũng chưa nói hết được sự lạc hậu của ĐSVN, cứ mỗi đoạn vài cây số, có một nhân viên mặc dép lê, đeo túi xách, đi bộ dọc hai thanh ray để kiểm tra độ chắc, lỏng của hàng ngàn con ốc bằng…mắt thường.

Tính thời vụ của ĐSVN cứ phô ra rõ ràng sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, vé mới mở bán đã hết sạch, nhưng các giao dịch “chợ đen” lai rai thì lúc nào cũng có, muốn mấy cũng được.

Tàu Tết là nỗi ám ảnh của hàng vạn người xa quê mỗi năm mới có một cơ hội trở về, chen lấn, xô đẩy, vật vã trên những chuyến tàu hôi hám, bẩn thỉu nhưng hành khách phải chấp nhận vì lỡ chọn lựa.

Đối với ngành đường sắt hình như họ chỉ chờ lễ, tết để làm ăn như một gánh hàng nay có, mai không. Ngày bình thường tàu vẫn vận hành dù cả toa chỉ một vài hành khách. Nếu không có sự đài thọ từ ngân sách chắc chắn đã phá sản từ lâu!

Chẳng buồn quảng cáo, tiếp thị giới thiệu những sản phẩm dịch vụ mới, chẳng phải sốt sắng cạnh tranh với ai cả. Phải chăng, đó là tâm lý ỷ lại vì từ rất lâu người ta đã coi đường sắt là đứa “con chính thống” chẳng thể nào nhẫn tâm dứt bỏ?

Nhờ bầu sữa ngân sách mà ĐSVN vẫn sống, nhưng không khỏe mạnh, còn nhớ có lần một vị lãnh đạo ngành GTVT nói rằng “phải siết hàng không cho đường sắt phát triển”.

Theo số liệu của VNR, khối lượng vận chuyển của đường sắt năm 1995 chiếm 11,7% tổng lượng luân chuyển hành khách và chiếm 7,9% tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn ngành giao thông vận tải.

Đến năm 2018, thị phần đường sắt cả hàng hóa và hành khách chỉ chiếm dưới 1%. Trong khi cơ cấu vận tải hành khách hiện nay, đường bộ chiếm tỷ lệ 72%, hàng không 22%.

Đúng giờ! Đó là lợi thế duy nhất mà vận tải đường sắt còn duy trì được, tuy nhiên nếu cách đây 20 năm người ta chấp nhận hành trình Hà Nội - Sài Gòn là 36h đồng hồ thì nay ít ai đủ kiên nhẫn và thời gian để ì ạch như thế.

Guồng quay của nền kinh tế mỗi ngày một nhanh hơn, con người có ít thời gian hơn để xử lý công việc trong khi tần suất làm việc buộc phải nhanh hơn, dồn dập hơn. Đường sắt thua cuộc trước hàng không và đường bộ cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Khổ đường sắt 1m trên thế giới không còn là bao, nhưng đó là kỹ thuật chủ đạo của ĐSVN, tốc độ chậm, thiếu an toàn. Nhưng tại sao không thể dẹp bỏ? Tiền có phải là cản trở? Hay nguyên nhân thuộc về tư duy kinh tế bao cấp còn quá nặng nề trong ngành này?

Còn tiếp…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Việt Nam: Nghịch cảnh già nhưng… không lớn! (Bài I) tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711647847 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711647847 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10