Tháng 5 - "Sell in May and go away"- "Bán tháng 5 và đi chơi" đã bắt đầu. Tuy nhiên, trước khi bước vào một chu kỳ sinh lợi thấp, nhiều công ty chứng khoán vẫn lạc quan.
Phiên giao dịch cuối tháng 4 đã chốt lại trong không khí khởi sắc nhiều ngày trồi sụt. VN-Index đóng cửa trên tham chiếu 0,57% và dừng tại 979,64 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0,53 điểm lên 107,46 điểm. VN30-Index tăng 0,55%. Mức tăng đáng kể của các blue-chip, đặc biệt trong rổ VN30 đã dẫn thị trường hồi phục. Khối ngoại quay trở lại mua ròng cũng là tín hiệu khiến thị trường tích cực hướng tới sắc xanh. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn giảm khiến nhiều nhà đầu tư đứng trước e ngại chứng khoán đã chuẩn bị bước vào chu kỳ "Sell in May" - mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng minh tháng 5 thường có sinh lợi cao hơn hẳn tháng Tư, đi trước các thị trường toàn cầu về hiệu ứng "tâm lý chu kỳ".
"Sell in May" có thể là quá khứ...
Trong khi đó, phiên 25/4, chứng khoán toàn cầu đã không có tín hiệu tích cực, trong không gian thông tin đón nhận công bố báo cáo lợi nhuận với các kết quả trái chiều của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Chỉ số Dow Jones chốt phiên giảm 0,5%, xuống 26.495,56 điểm, chỉ số S&P 500 ổn định ở mức 2.926,17 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,2%, lên 8.118,68 điểm. Tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,5%, xuống 7.434,13 điểm. Tại Frankfurt, chỉ số DAX 30 giảm 0,3%, xuống 12.282,6 điểm. Tại Paris, chỉ số CAC 40 giảm 0,3%, xuống 5.557,67 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 giảm 0,3%, xuống 3.491,92 điểm.
Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch 294/2019, Dow Jones và các chỉ số phố Wall đã có phiên khởi sắc trở lại. Chỉ số công nghiệp đã tăng gần 0,1% lên 26.554,39 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 0,1% lên 2.943,03 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,2% và đóng phiên ở mức 7.839,04 điểm. Thêm nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả tích cực hơn và đặc biệt khả năng Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất như hiện tại, được cho là yếu tố nâng đỡ tâm lý của giới đầu tư. Giới quan sát hy vọng hiệu ứng "“Sell in May and go away, stay away till St. Leger Day” chỉ là câu chuyện của quá khứ và cuộc đua trên thị trường chứng khoán vào thời gian tới sẽ không phải là thời điểm...đua ngựa cuối cùng. Các nhà đầu tư vẫn còn có khả năng kiếm lời.
Top đầu lạc quan
Tại đại hội cổ đông CTCK SSI, cổ đông công ty này đã thông qua các mục tiêu cao năm 2019, với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 3.775 tỷ đồng, tổng chi phí 2.074,3 tỷ đồng; từ đó, công ty dự kiến mang về 1.700,7 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế. Đây được xem là kế hoạch kinh doanh tương ứng với những kỳ vọng lạc quan của thị trường.
Lãnh đạo công ty này đánh giá, năm 2019, nền kinh tế nói chung cũng như thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng dự báo vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức. Trong khi nền kinh tế phải đối mặt với một loạt các vấn đề và trở ngại từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt, thì TTCK được dự báo sẽ dao động trong biên độ rộng với các thông tin tích cực và tiêu cực đan xen.
Thực tế, quý I/2019 đã kết thúc trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều trở nên thận trọng. Dẫu vậy, TTCK vẫn có yếu tố hấp dẫn, đặc biệt là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Như mặt bằng cổ phiếu đã ở mức thấp và dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 13,3% so với cùng kỳ là cơ sở để hỗ trợ TTCK tăng trưởng.
Quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tiếp tục diễn ra trong 2 năm tới sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho kinh tế phát triển, đồng thời giúp TTCK tăng được nguồn cung cổ phiếu có vốn hóa lớn và chất lượng. Hoạt động tái cấu trúc TTCK ở tầm vĩ mô cũng là yếu tố giúp thị trường có mức thanh khoản tốt hơn và thu hút được nhà đầu tư.
Hoạt động M&A được kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2019, tập trung vào các ngành hàng bán lẻ, sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm … Thị trường cũng đón nhận ngày càng nhiều hơn sự tham gia của các công ty chứng khoán nước ngoài có tiềm lực về nguồn vốn, nhân sự, công nghệ…
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh trong ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phát triển hệ thống giao dịch - các yếu tố sẽ góp phần đáng kể vào kết quả kinh doanh của từng công ty chứng khoán - SSI nhận định.
Chủ tịch SSI, ông Nguyễn Duy Hưng giải thích thêm, kế hoạch kinh doanh trên đặt ra trên tiên lượng những gì diễn ra trong 2019 không xấu hơn năm trước. "Kế hoạch được bàn bạc đưa ra từ 3 tháng trước, khi thị trường không có gì xấu và bây giờ cũng thậm chí còn nhiều yếu tốt thuận lợi. Tuy nhiên quý I, thị trường diễn biến không như dự đoán, khi mà chứng khoán toàn cầu hay Mỹ, Trung Quốc đều vượt đỉnh cũ nhưng Việt Nam thì chưa. Thị trường Việt Nam thường có độ trễ và tôi kỳ vọng độ trễ sắp đến", ông Hưng nói.
Trong khi đó, Chứng khoán HSC cũng đặt mục tiêu kinh doanh cao hơn năm 2018 - năm mà CTCK đang đứng thứ 2 thị trường về thị phần ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, HSC đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.666 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 kỳ vọng đạt 681 tỷ đồng. Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROAE) năm 2019 được dự đoán ở mức 17,6%.
HSC chia sẻ kế hoạch kinh doanh 2019 được xây dựng dựa trên các giả định sau: Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 6.500 tỷ VNĐ; Thị phần môi giới đạt mức 12.3%, thị phần phái sinh đạt 20%; Dư nợ ký quỹ bình quân HSC năm 2019 dự đoán ở mức 4.000 tỷ đồng.
Theo các giả thiết được trình bày ở trên, hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ và hoạt động tự doanh được dự đoán là những mảng đem lại doanh thu nhiều nhất cho HSC, đóng góp lần lượt là 49%, 31% và 13% tổng doanh thu năm 2019, và hoạt động tư vấn tài chính đóng góp phần còn lại.
Trong một phân khúc khác, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities – TCBS), công ty đứng đầu về mảng trái phiếu cho biết ở quý 1, doanh thu công ty đạt 283 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2018. Hai nghiệp vụ chính của công ty là Tư vấn Doanh nghiệp và Sản phẩm đầu tư cá nhân cũng tiếp nối đà tăng trưởng cao từ cuối năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 67% và 48%, qua đó góp phần quan trọng để công ty đạt mức lợi nhuận trước thuế với 211 tỷ đồng, tăng đến 123%.
Với nhu cầu phát hành trái phiếu huy động vốn của nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường và các chính sách hỗ trợ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư ngày càng tốt hơn, sản phẩm trái phiếu dành cho khách hàng cá nhân iBond, quỹ mở trái phiếu TCBF, quỹ mở cổ phiếu TCEF và quỹ mở đầu tư trái phiếu linh hoạt FlexiCA$H của TCBS được dự báo vẫn sẽ tiếp tục giúp công ty này "ăn nên làm ra" trong năm nay. Trong quý I/2019, TCBS đã tiếp tục độc chiếm ngôi đầu thị phần giao dịch trái phiếu tại HOSE với thị phần áp đảo 88,59%. Đã có sẵn một số khách hàng DN lớn tên tuổi đang chiếm tỷ trọng lớn trong VN30 - TCBS mới đây thậm chí còn mạnh dạn phê duyệt điều chỉnh tăng hạn mức rủi ro đối tác trong nghiệp vụ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của công ty đối với một số tổ chức phát hành.
Có thể thấy nhìn chung, các CTCK đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2019 tăng trưởng cao hơn 2018, đều đang là những tổ chức đứng đầu thị trường môi giới cổ phiếu và trái phiếu, có thị phần lớn, có "ảnh hưởng cao" từ vị trí trung gian-tham gia tạo lập thị trường của mình. Sự lạc quan của các công ty này cũng hàm nghĩa khó khăn của TTCK giai đoạn qua, không đồng nghĩa sẽ kéo dài thành một vệt chu kỳ trong những ngày tháng tới. "Sell in May" của tháng 5 có thể sẽ không xảy, hoặc xảy ra không quá sâu, quá lâu với chứng khoán Việt Nam. "Bước qua được tháng 5 và chờ đón những tin báo cáo bán niên của các doanh nghiệp, nếu không có tác động quá lớn như từ những thông tin vĩ mô và chứng khoán toàn cầu, VN-Index có thể sẽ hướng đến test ngưỡng cao đã đạt ở 2018 và thị trường sẽ đổi chiều", lãnh đạo một CTCK dự báo.
Dĩ nhiên, trên TTCK, mọi dự báo hay giả định đều có biến số. Chưa kể, dù TTCK Việt Nam đang không hoàn toàn bị giãn rộng biên độ lên hay xuống theo chiều các thị trường toàn cầu, nhưng vẫn còn bị chi phối tâm lý nhất định bởi nhịp tăng, giảm của các chỉ số quốc tế. Tháng 5 và ám ảnh "bán đi chơi" lại cũng mới chỉ bắt đầu.