Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng 10 tháng đầu năm doanh thu của doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp Bắc Giang vẫn đạt gần 180 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệpBắc Giang, tính đến hết tháng 10 năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn Bắc Giang vẫn tăng trưởng khá. Cùng với đó, tổng các khoản thuế phát sinh phải nộp ước tính 1,8 nghìn tỷ đồng. Tại các Khu công nghiệp đang hoạt động hiện có 397 dự án còn hiệu lực, trong đó có 299 dự án FDI, còn lại là dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn ước đạt 3.500 triệu USD và 6 nghìn tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay có 24 dự án vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đã được cấp mới, cấp điều chỉnh tăng vốn cho 45 dự án. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh bổ sung quy đổi đạt hơn 830 triệu USD, vượt kế hoạch năm.
Để đạt được kết quả này, Ban Quản lý đã luôn đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng tại các Khu công nghiệp phải tập trung hoàn thiện hạ tầng trên phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, nhất là tại các Khu công nghiệp: Quang Châu, Vân Trung và Hòa Phú. Đến nay, Khu công nghiệp Đình Trám và Vân Trung đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Các Khu công nghiệp Hòa Phú, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng được hoàn thiện một phần.
Được biết, Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2050 thành lập mới 40 cụm công nghiệp. Mở rộng 3 cụm công nghiệp hiện có, với diện tích trên 2.293 ha. Đưa ra khỏi quy hoạch 2 cụm công nghiệp với diện tích 15,6 ha nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn đến 2050 là 74 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.219 ha.
Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được quy hoạch, triển khai tại các vị trí hết sức thuận lợi, bám các trục giao thông hiện có và các trục đường giao thông quy hoạch trong giai đoạn tới nhằm tận dụng được hạ tầng kỹ thuật sau khi đầu tư, giải quyết tốt việc vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, thời gian tới tỉnh quy hoạch, phát triển thêm nhiều cụm công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp. Ngoài ra, các cụm công nghiệp được quy hoạch tại các huyện miền núi nhằm thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có.
Có thể bạn quan tâm