Thị trường khó khăn, giảm giá để kích cầu là việc thường thấy. Tuy nhiên, cùng giảm giá nhưng Kichi Kichi và Haidilao lại thực hiện rất khác biệt.
Trong thời gian gần đây, hệ thống lẩu băng chuyền Kichi Kichi đưa ra các gói buffet giá mềm hơn cho thực khách. Lúc trước, menu chỉ có hai loại: bao gồm quầy tráng miệng hoặc không, với mức giá cho gói thông thường là 299.000đ/người. Còn hiện nay, theo chương trình mới, họ đưa thêm mức giá 199.000đ/người và 239.000đ/người.
Với giá 199.000đ, thực khách được thưởng thức hơn 55 món nhúng cơ bản như thịt, rau củ, đồ viên. Nâng lên gói 239.000đ, thực khách được thêm 7 món nhúng đặc biệt, phục vụ trên các đĩa đen. Gói cao nhất 299.000đ, thực khách có thêm 8 món phục vụ tận bàn.
Không chỉ đưa thêm các gói mới với giá chỉ còn 2/3 so với mức giá cơ bản, Kichi Kichi còn chạy khuyến mãi 199.000đ giảm thành 189.000đ từ thứ 2 đến thứ 6 tại một số cơ sở nhất định.
Nhiều người nhận định với mức giá này, Kichi Kichi sẽ tiếp cận được đông đảo khách hàng hơn. Trên thực tế, đây cũng là động thái bắt buộc nếu không muốn bị đào thải trong thị trường ngành F&B rất khốc liệt hiện nay, cũng như tình trạng khách hàng dần thắt chặt chi tiêu.
Thị trường khó khăn không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà Trung Quốc cũng tương tự. Năm 2024 là năm ác mộng của ngành F&B tại đây khi chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, đã có hơn 1000 cửa hàng ăn uống phải đóng cửa. Sức mua, sức tiêu thụ giảm, đặc biệt là phân khúc khách hàng cao cấp và trung cấp.
Trong bối cảnh ấy, giống như Kichi Kichi, các thương hiệu thường sẽ giảm giá để kích thích sức mua. Hệ thống lẩu Haidilao cũng không ngoại lệ. Thế nhưng cách làm của họ lại khác biệt.
Thay vì giảm giá đơn thuần, Haidilao thành lập thêm một thương hiệu mới mang tên Xiao Hai Hotpot. Thương hiệu này vẫn bán lẩu nhưng với mức giá rẻ hơn. Nếu ở Haidilao, mỗi thực khách trung bình bỏ ra khoảng 88 NDT (hơn 300.000đ), thì mức giá trung bình của Xiao Hai là 49 đến 80 NDT (khoảng 170.000đ - 270.000đ).
Mặc dù giá thấp hơn nhưng Xiao Hai vẫn giữ nguyên các hương vị lẩu như Haidilao và các dịch vụ như combo trẻ em hoặc vẽ mặt. Tuy nhiên để bù đắp và tối ưu chi phí, họ phải điều chỉnh nhiều thứ, chẳng hạn số lượng món không đa dạng bằng, bàn ghế kê sát hơn, có một số món khách tự phục vụ.
Có thể thấy dù đều phục vụ mục đích thu hút thêm khách hàng, nhưng cách làm của Haidilao rất khác so với Kichi Kichi. Kichi Kichi đơn giản giảm thẳng vào menu, còn Haidilao lại thành lập hẳn một thương hiệu mới.
Có sự đối lập này và sự “rườm rà” của Haidilao là bởi vì ngay từ đầu định vị của hai bên đã khác biệt.
Haidilao định vị mình là một hệ thống lẩu hạng sang, phục vụ đối tượng khách cao cấp hơn. Nếu vì đối phó với khó khăn thị trường mà hạ giá sản phẩm (kéo theo hạ thấp dịch vụ), chắc chắn thương hiệu cũng bị ảnh hưởng. Một khi đã bị gắn với mác “giá rẻ”, Haidilao sẽ rất khó phục hồi địa vị trong mắt khách hàng truyền thống. Vậy nên Haidilao bắt buộc phải xây dựng một thương hiệu mới để bảo vệ thương hiệu của mình.
Trong khi đó, Kichi Kichi định vị là một thương hiệu lẩu bình dân hơn, phục vụ đối tượng khách đại chúng hơn. Với tệp khách hàng này, được giảm giá trực tiếp ngay trên menu thì chắc chắn sẽ khiến họ thích thú hơn và gắn bó với thương hiệu nhiều hơn. Cách làm này không ảnh hưởng thương hiệu, mà còn phục vụ mục đích tăng thêm doanh số.
Trong kinh doanh, không có chiến lược đúng và sai, mà chỉ có chiến lược phù hợp. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần biết mình là ai và mình đang ở đâu để áp dụng cho chính xác.