Để nâng cao năng suất, cùng với nỗ lực cải tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển lên quy mô lớn hơn, cần “động cơ” khác khác biệt. Đó là “động cơ” số.
LTS: Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Dư địa tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo
Dù còn dư địa để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nhằm tăng năng suất lao động nhưng xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn. Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, năng lực cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được cải thiện.
Ông cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp.
Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và "thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững", Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định chia sẻ.
Các chuyên gia đến từ Tổ chức năng suất châu Á (APO) cũng khẳng định: giải pháp để tăng năng suất, trong đó có đi tắt đón đầu thông minh thông qua đổi mới sáng tạo, cải cách mô hình quản lý. Cần tập trung mở rộng năng lực áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới. Các quốc gia, nền kinh tế cũng cần tạo môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Động cơ số
Theo PGS.TS Tăng Văn Khiên, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê khẳng định: Mục tiêu tăng năng suất theo Quyết định số 36 cơ bản đầy đủ, phù hợp và bao quát được nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thêm là “chú ý củng cố công tác hạch toán, cần thống nhất và có chương trình hướng dẫn phương pháp tính năng suất lao động đối với doanh nghiệp”. Ông Khiên phân tích: Cốt lõi, để tăng năng suất có hai hướng. Một là, tăng thêm kết quả đầu ra và giữ nguyên chi phí đầu vào. Hai là, giảm chi phí đầu vào và giữ nguyên kết quả đầu ra. Khi phấn đấu tăng năng suất phải thực hiện đồng thời cả hai hướng đó.
“Trong giai đoạn tới, cần nhấn mạnh hơn đến tăng năng suất theo hướng thứ nhất: Tăng nhanh kết quả đầu ra, tức là tăng nhanh chỉ tiêu GDP hoặc giá trị tăng thêm. Cụ thể, phải chú trọng đầu tư công nghệ theo chiều sâu, đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác quản lý, chống thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ của người lao động trong sản xuất kinh doanh để vừa tăng thêm khối lượng sản phẩm (tăng cả về số lượng và chủng loại) vừa phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm (có giá bán cao hơn, tức là sẽ có giá trị tăng thêm lớn hơn, kéo theo tăng năng suất).”- PGS.TS Tăng Văn Khiên chia sẻ.
Từ hoạt động thực tế của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP MISA cho rằng: Công nghệ số sẽ là công cụ hữu hiệu nhất. Bây giờ, chỉ cần chiếc điện thoại bạn sẽ biết hàng đi đến đâu, bán ra sao...
Nói cách khác muốn đi ngược dòng, cần động cơ khác khác biệt. Đó là động cơ số!
Giáo sư Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản
Việt Nam cần có một chính sách tổng thể, hướng tới mức tăng trưởng về năng suất lao động bền vững từ 7%-8%. Trước mắt, có thể tập trung thúc đẩy tăng năng suất lao động trong ngành công nghiệp, sau đó mới tới các ngành như nông nghiệp và dịch vụ. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao trình độ, tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh và khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo để vận dụng trong mọi hoạt động.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo động lực cho nền kinh tế số phát triển
03:58, 17/01/2021
Đổi mới sáng tạo - “chìa khoá” thành công!
14:10, 09/01/2021
Festival Khởi nghiệp 2021: VCCI tiên phong trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
14:26, 08/01/2021
“Make in Vietnam” nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo
12:14, 01/01/2021