Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2020 tổ chức chiều ngày 5/2 đã diễn ra phiên thảo luận về Đối sách nào cho doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh 2020?
Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng thảo luận thêm vấn đề Xu hướng đầu tư, kinh doanh năm 2020 và những đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp.
Mở đầu phiên thảo luận, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!".
Từ nhiệm kỳ VI đến nay, Đảng khởi động công cuộc Đổi Mới không chỉ dựa vào những kho báu của dân giàu đã huy động được từ các nhiệm kỳ trước, mà còn cộng vào đó sự giàu có về sức sáng tạo của dân.
Theo đó, Việt Nam đã quyết định từ bỏ phương thức kế hoạch hóa tập trung, chuyển sang phương thức kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là một sự chọn lựa độc nhất vô nhị trên thế giới với mục tiêu được ghi tại Nghị quyết Đại hội VIII về "Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh.
Từ đó đến nay đã hơn 20 năm Việt Nam thực hiện mục tiêu này, nhưng tại thời điểm này, Thủ tướng vẫn phải nhấn mạnh lại.
Chúng ta đã có Nghị quyết 10-NQ/TW, qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân.
Về mặt thực tiễn, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện có khoảng trên 750.000 doanh nghiệp đang tạo ra 12 triệu việc làm, đóng góp tới 43% GDP (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI là 18% GDP; riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới 85% GDP).
Có được thành quả đó là quá trình đổi mới tư duy kinh tế của Đảng, là bước đi đúng đắn phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ nhằm "cởi trói" về cơ chế, thể chế, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Ông Huỳnh nêu: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng lâu nay VCCI vẫn hướng nhiều về doanh nghiệp nhỏ và vừa, khối kinh tế tư nhân và câu hỏi đặt ra hiện nay là vì sao doanh nghiệp nhỏ không lớn được dù đã được tạo mọi điều kiện.
"Nghị quyết của Trung ương đã có, chúng ta phải thực hiện nó bằng hàng loạt các giải pháp để kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa. Chúng ta phải làm sao để kinh tế tư nhân không có loppy chính sách, không phải dùng phí bôi trơn. Làm sao để kinh tế tư nhân phát triển thật sự bền vững", ông Huỳnh cho biết.
Cũng theo Luật sư Huỳnh, có thể nói, hiếm có quốc gia nào trong điều kiện kinh tế như của Việt Nam mà lại hội nhập, tham gia vào thị trường của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta đã thực sự hiểu sâu về EVFTA chưa. Đây là hiệp định được cho là cao nhất, sâu nhất cũng như đòi hỏi rộng nhất về cải cách các thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh để hội nhập. Đã có bao nhiêu bài phân tích về EVFTA để doanh nghiệp hiểu sâu và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh từ cơ hội này?
Nói thêm về nền kinh tế số và kinh tế chia sẻ, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, cần phải chú trọng trong những năm sau bởi đây là cơ hội để rút ngắn lại mọi khoảng cách. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải ngăn ngừa được rủi ro và bảo vệ được nhà đầu tư. “Nếu không có nhà đầu tư, chúng ta mãi mãi gia công, làm thuê, bán sức lao động” - ông Huỳnh nói và đề nghị phải có một Uỷ ban quốc gia để bảo vệ nhà đầu tư, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhấtcho nhà đầu tư.
Ông cũng bày tỏ hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã đặt chuẩn mực quốc tế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh để áp dụng vào Việt Nam. Đồng thời, dùng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đo đếm sự cải thiện môi trường kinh doanh tại đất nước mình.
Tuy nhiên, điều hạn chế theo luật sư Trần Hữu Huỳnh đó là chúng ta chưa quy trách nhiệm cụ thể về từng bộ, từng ngành. “Không làm được chuyện đó mãi mãi chúng ta vẫn chỉ là biết “bệnh” mà không “chữa được bệnh”. – ông Huỳnh nhấn mạnh.
Ở góc độ nhà làm luật, ông cũng cho rằng chúng ta chưa cải cách được nhiều vấn đề về toà án. Mặc dù đã có một số ghi nhận như: Công khai bản án, công bố án lệ, số hoá hồ sơ… nhưng, như vậy vẫn chưa làm hài lòng người dân. “Đề nghị nên nghiên cứu và làm sâu hơn về vấn đề này” – ông Huỳnh đề nghị.
Nói về quản trị xã hội, luật sư Huỳnh cho biết, xã hội bây giờ năng động và tích cực hơn nhờ công nghệ, nhờ thái độ cởi mở hơn của nhà nước. Nhưng nhà nước không thể đi một mình được mà phải đi với xã hội. Tương tự, trong lĩnh vực thương mại, cũng cần gắn doanh nghiệp với các hội, hiệp hội để có thêm tiếng nói, có thêm công cụ hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp khi cần.
Phát biểu tại phiên thảo luận, doanh nhân Nguyễn Đức Cây – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển nhà Constrexim bày tỏ: “Chúng ta nói nhiều, bàn nhiều và trăn trở nhiều về thể chế song vì sao vẫn không thoát ra được và vẫn rơi vào bế tắc. Tôi đề xuất sẽ có nhiều hơn những diễn đàn như thế này để cho doanh nghiệp được tham gia góp ý kiến về cơ chế chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn”.
Đánh giá về thị trường bất động sản trong năm vừa qua, ông Nguyễn Đức Cây cho biết, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng tuy nhiên có “chững lại” so với năm 2018. Các dự án tăng chậm lại. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam quý 3/2019 thị trường bất động sản vẫn đi theo chiều hướng giảm nhất là TP Hà Nội và TP HCM. Tại TP HCM chỉ có 5 dự án được mở mới so với con số 20-30 dự án mở mới mỗi năm. Tại Hà Nội, phân khúc căn hộ quý 3 đã giảm 2200 căn so với quý 2 và giảm 4000 căn so với cùng kỳ năm trước.
"Trong năm 2020, tôi cho rằng giá cả thị trường bất động sản sẽ tiếp tục giữ được nhịp ổn định như vậy. Tuy nhiên, theo phản ảnh của cộng đồng doanh nghiệp bên cạnh những điểm sáng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thì vẫn còn nhiều khó khăn đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: các văn bản quy phạm pháp luật khi đi vào thực tế còn hạn chế; những bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành (đan xen, chồng chéo) thậm chí xung đột – làm này thì đúng, chiếu theo Luật khác lại sai; Những vấn đề nảy sinh từ thực tế nhưng chưa được pháp luật điều tiết". - ông Cây nói.
Có thể bạn quan tâm
16:57, 05/12/2019
16:46, 05/12/2019
16:40, 05/12/2019
16:16, 05/12/2019
15:39, 05/12/2019
14:19, 05/12/2019
14:14, 05/12/2019
Ngoài ra, các khó khăn về tiếp cận đất đai vẫn còn một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, còn có nội dung chồng chéo, xung đội với các luật khác gây khó khăn cho việc thực hiện, điển hình như các vấn đề: quy định về kỳ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 37, Luật Đất đái) chưa phù hợp; Quy định về đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất… Bên cạnh đó, còn là vấn đề đấu giá và vấn đề đấu thầu còn chưa minh bạch.
Ông Cây cho biết, thông thường một dự án đầu tư phát triển đô thị sau khi có chủ trương đầu tư phải trải qua “4 đơn vị kiểm soát”: Sở Quy hoạch kiến trúc; Sở kế hoạch và đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng. Nhưng đến đây việc kiểm tra, giám sát thực hiện đầu tư xây dựng là do Thanh tra và trật tự xây dựng đô thị, thiếu đầu mối thống nhất quản lý sau cấp phép.
“Quá trình giải quyết các thủ tục hành chính của một dự án đầu tư là một chuỗi liên hoàn về nội dung công việc và thời gian, chỉ cần một mắt xích nào đó trong chuỗi liên hoàn nêu trên vướng mắc sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ thời gian của dự án bị chạm lại làm mất cơ hội đầu tư và nản lòng các nhà đầu tư phát triển” – ông Cây nhấn mạnh.
Cũng tại diễn đàn, ông Boikovivan – Cơ quan đại diện Thương mại Liên bang Nga cho biết:Là cơ quan hỗ trợ các nhà xuất khẩu Liên bang Nga tại Việt Nam, từ góc nhìn các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là từ Liên bang Nga, hiện nay Việt nam chưa có những thể chế nhất định và thống nhất nhất trong ngành năng lượng, nhất là với các dự án phát triển điện mặt trời. Phía Nga rất mạnh về lĩnh vực sản xuất dầu khí năng lượng và quan tâm đến các dự án tại Việt Nam, tuy nhiên chưa có cơ chế thống nhất về phát triển ngành này, cũng như các cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư.
Hiện nay các doanh nghiệp Liên bang Nga nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung vẫn luôn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam do những cải cách không ngừng từ phía chính phủ cũng như các bộ ngành; đồng thời kỳ vọng chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng. công nghệ cao,…
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế, trong bối cảnh hiện tại đã đưa một số điểm doanh nghiệp cần lưu ý khi bước vào năm 2020.
Theo đó, năm 2020 sẽ là năm bản lề khi 13 FTA mà Việt Nam đã ký đi hầu hết sẽ bước vào giai đoạn thực hiện là chủ yếu. Bên cạnh đó, đoàn công tác tại thị trường Nam Mỹ (Mercosur) đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt xúc tiến thương mại đầu tư tại thị trường này.
Hiệp định FTA Việt Nam ký với Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những tín hiệu tích cực. Đây là một trong hai hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Dự kiến hiệp định này sẽ được các nước trong khối EU tiếp tục xem xét để thông qua trong năm 2020.
Theo chuyên gia phân tích, xung đột Trung – Mỹ chưa thể kết thúc nhanh chóng mà sẽ có diễn biến bất ngờ, và có thể gây ra những bất lợi cho Việt Nam trong năm tới.
Mỹ tiếp tục có những căng thẳng xung đội với các đối tác, thậm chí với cả các đồng minh. Không loại trừ việc Mỹ cũng sẽ có những hành động căng thẳng với Việt Nam nếu như Việt Nam không có các hành động tích cực để thu hẹp thâm hụt thương mại.
Hàn Quốc sẽ và đang có chính sách hướng Nam khi vừa chuyển dịch dòng đầu tư cũng như các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc xuống các nước, trong đó Việt Nam.
Nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ ngành địa phương trong việc cải cách thể chế.
Với những điểm cần lưu ý trên, ông Minh Anh cho biết, các doanh nghiệp nên chú trọng ba cơ hội bao gồm:
Thứ nhất, khai thác tiềm năng từ các FTA có hiệu lực để tăng cường thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ có thể “ăn theo” dòng đầu tư xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp khác và tận dụng cơ hội để trở thành một phần chuỗi cung ứng, để có thể tiếp cận được với các đối tác từ các thị trường lớn như EU, Mỹ. Trung Quốc
Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến vấn đề xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm khi hải quan các nước cũng như các cơ quan Việt Nam đều chú ý đến vấn đề này. Các doanh nghiệp cần chứng minh với các đối tác và các thị trường quan trọng rằng Việt Nam rất nghiêm túc trong việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm.
Cuối cùng, các doanh nghiệp Việt cần chú ý đến sự chuyển hướng thương mại và dịch chuyển dòng đầu tư trong bối cảnh xung đột thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, tăng tính chủ động khai thác cơ hội cũng như chủ động tiếp cận thông tin trên các kênh cung cấp của các Bộ, ngành cũng như VCCI.