“Đòn bẩy” dịch vụ chuyển mạch tài chính

Bùi Huyền 02/03/2020 13:00

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy cho nhiều doanh nghiệp tham gia dịch vụ chuyển mạnh tài chính.

Theo chiến lược này, đến năm 2025 Việt Nam có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Đồng thời, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hàng năm.

Hệ thống chuyển mạch hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường và vẫn chưa liên kết được với các hình thức thanh toán mới

Hệ thống chuyển mạch hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường và vẫn chưa liên kết được với các hình thức thanh toán mới, như QR code, ví điện tử...

Thúc đẩy tài chính toàn diện

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện là nhiệm vụ đầu tiên được đề ra trong chiến lược. Song song với đó là các hoạt động nhằm phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện với mức chi phí hợp lý.

Có thể thấy điểm nổi bật nhất trong chiến lược lần này là sự đổi mới và tinh thần đột phá, thể hiện tầm nhìn mới của Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách và chủ trương về phát triển thanh toán toàn diện ở Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ nổi bật của Chiến lược là đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt đối với người dân, doanh nghiệp như: thu, nộp thuế, phí, lệ phí, thu phạt hành chính, thanh toán hóa đơn định kỳ (điện, nước, viễn thông, học phí) hay chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt… hiện đã được thực hiện nhưng còn khá hạn chế, cần có thêm nhiều ứng dụng để mở rộng mạnh mẽ hơn.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, chiến lược này được đề ra trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi rất lớn, liên quan đến vấn đề công nghệ thông tin, đến môi trường kinh doanh và mô hình phát triển quốc gia. “Chiến lược này nếu đi vào thực hiện, sẽ có sức ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, do vậy sẽ cần một thời gian trung hạn hoặc dài hạn để thực hiện”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cơ hội cho nhiều doanh nghiệp

Một trong những điểm quan trọng của Chiến lược là việc mở cửa, cho phép thêm các thành phần kinh tế tham gia vào cung cấp các dịch vụ tài chính. Riêng lĩnh vực chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Chiến lược cũng nêu rõ: “Cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp.”

Trên thực tế, trước khi Chính phủ ban hành Chiến lược nói trên, không có vùng cấm nào đối với các doanh nghiệp tư nhân tham gia dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử. Theo Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện, như vốn điều lệ 50 tỷ đồng, đáp ứng điều kiện về nhân sự, hạ tầng công nghệ… có thể xin cấp phép hoạt động dịch vụ này (Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101, dự kiến nâng mức vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, phải được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan…).

Mặc dù vậy, đến nay mới chỉ có NAPAS là đơn vị độc quyền cung cấp dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử. Thực tế cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt nếu chỉ dựa vào một hệ thống chuyển mạch rất khó để giảm phí, tăng tốc độ giao dịch, đẩy nhanh phổ cập tài chính. Hệ thống thanh toán điện tử hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, độ phủ mỏng, chi phí cao. Đặc biệt là hệ thống chuyển mạch chưa liên thông được với phương tiện thanh toán mới như QR Code, ví điện tử…

Có thể bạn quan tâm

  • Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển không dùng tiền mặt

    Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển không dùng tiền mặt

    16:50, 30/05/2019

  • Sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về quy định thanh toán phi tiền mặt

    Sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về quy định thanh toán phi tiền mặt

    06:16, 23/08/2019

  • Những thách thức trong thanh toán phi tiền mặt

    Những thách thức trong thanh toán phi tiền mặt

    11:00, 31/05/2019

  • Thách thức thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam

    Thách thức thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam

    06:06, 16/01/2019

Một chuyên gia tài chính cho rằng, muốn đưa dịch vụ tài chính phi tiền mặt đến với mọi người, xoá các vùng trắng dịch vụ như hiện nay thì đòi hỏi một hệ thống chuyển mạch lớn, hiện đại, liên thông được các phương tiện thanh toán mới…

Trên thế giới, mô hình chuyển mạch cũng rất khác nhau: có nước chỉ có một doanh nghiệp chuyển mạch quốc gia, song cũng có nước có trên 10 doanh nghiệp thực hiện các cấp độ dich vụ khác nhau trong lĩnh vực này. Việt Nam hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đủ sức tham gia vào việc kiến tạo hạ tầng chuyển mạch tài chính và thanh toán bù trừ. Đó là các tập đoàn công nghệ hay các định chế tài chính mạnh có đủ kinh nghiệm và tiềm lực.

“Việc mở cửa cho phép thêm doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này có ý nghĩa bước ngoặt lớn cho toàn ngành tài chính- ngân hàng, mở ra cơ hội lớn để có thêm các nguồn lực tham gia kiến tạo các hạ tầng quan trọng của quốc gia, tác động tích cực đến hoạt động thanh toán ở Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam”, vị chuyên gia tài chính nói trên nhận định và nhấn mạnh, việc cho phép thêm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển mạch đều phải trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Đòn bẩy” dịch vụ chuyển mạch tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO