“Đòn bẩy” hội nhập quốc tế

TRƯỜNG ĐẶNG thực hiện 29/04/2023 12:00

Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong suốt những năm qua. DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế độc lập, xung quanh vấn đề này. 

>> Thách thức từ hội nhập quốc tế với chuỗi cung ứng ngắn Việt Nam

TS. Bùi Ngọc Sơn cho rằng “sân chơi” hội nhập quốc tế đã và đang đem lại cho Việt Nam những cơ hội lớn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.

- Ông nhận định ra sao về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay?

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước ta năm 2022 đạt hơn 400 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỷ USD. Điều này có nghĩa nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế rất sâu.

Đáng chú ý về động lực để tạo ra của cải trong nước, trong đó cũng có tới 70% liên quan đến vốn FDI trong xuất khẩu của quốc gia.

Những yếu tố đó đã cho thấy dòng vốn nước ngoài cũng như dòng thương mại với nước ngoài của Việt Nam đang rất mạnh mẽ.

- Có những thách thức nào trong hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam phải đối mặt, thưa ông?

Khó khăn không phải ở chỗ chúng ta “chơi” chưa đủ, chưa xứng tầm mà thực ra nằm ở câu chuyện khác.

Thứ nhất, chúng ta chưa học tập và tận dụng tốt những công nghệ mà nước ngoài đã mang vào Việt Nam suốt những năm qua. Bản chất của việc hội nhập là có cơ hội kiếm tiền, mang về nước để thay đổi, phát triển, tự chủ các công nghệ sản xuất trong nước và nâng cao chuỗi giá trị. Từ những cái đó sẽ làm ra nhiều sản phẩm giá cao hơn và bán ra quốc tế. Tuy nhiên về vấn đề này, Việt Nam vẫn chưa làm được nhiều.

Thứ hai, chúng ta mở cửa với nước ngoài nhưng cuối cùng lại đánh mất thị trường trong nước vào tay các công ty nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động rất tốt, có sản phẩm chất lượng, nhưng đều bị các tập đoàn lớn của nước ngoài mua lại và dần biến mất.

Thứ ba, do Việt Nam hội nhập quá sâu nên mỗi khi nền kinh tế thế giới có biến động, nhu cầu giảm xuống là nền kinh tế Việt Nam lại gặp khó khăn. Chưa kể đến việc thiếu tính đa dạng trong hội nhập. Ví dụ như hoa quả xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng quá lớn. Mỗi khi Trung Quốc đóng cửa thì cả nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta “liêu xiêu”.

- Thưa ông, Việt Nam cần tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng mới bền vững hơn?

Theo tôi, chúng ta phải xây dựng một nền công nghiệp hỗ trợ hoàn chỉnh. Thế giới đang sản xuất máy móc thiết bị ngày càng nhiều; có nghĩa họ sẽ cần rất nhiều các phụ tùng, linh kiện và năng lực gia công từ các nước như chúng ta.

Vì thế, cần làm sao để nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào Việt Nam, ngoài nhân công giá rẻ, thì họ cũng phải thấy ta có chuỗi sản xuất lắp ráp linh kiện tiên tiến, chuyên nghiệp. Có như vậy mới thu hút họ đến đặt các nhà máy, dây chuyền sản xuất chủ chốt ở Việt Nam.

>> FTA thế hệ mới đòi hỏi doanh nhân thế hệ mới

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần vai trò chủ động và sáng tạo của các doanh nghiệp đầu ngành, trong khi đó vẫn là điểm yếu của chúng ta.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa hoạt động hiệu quả tương xứng với nguồn vốn khổng lồ. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn để tiếp cận được những công nghệ sản xuất hiện đại đó.

- Vậy theo ông, chúng ta cần chiến lược như thế nào để vượt qua những thách thức trong hội nhập?

Trước hết, phải cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, cần có sự hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để đem về những công nghệ cần thiết cho nền sản xuất của nước ta.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài chuộng hợp tác với các tập đoàn tư nhân Việt Nam hơn vì họ có thế mạnh về tính chủ động, linh hoạt, thay vì vướng mắc bởi các thủ tục hành chính rườm rà của khối doanh nghiệp quốc doanh.

Do đó, Nhà nước cần lựa chọn một số công ty tư nhân để hỗ trợ họ xây dựng một nền tảng công nghệ cho quốc gia. Phải có nền tảng đó thì mới có những trụ cột kinh tế khác.

Những lĩnh vực gần đây được nói tới như du lịch hay kinh tế sáng tạo, nhưng các lĩnh vực này chưa trở thành trụ cột tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai gần.

Ví dụ, về ngành Du lịch, đây là một ngành có giá trị kinh tế; đồng thời tương đối bền vững về mặt môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam có gần 100 triệu dân thì câu hỏi đặt ra là bao nhiêu phần trăm dân số có thể làm dịch vụ du lịch? Chưa kể, doanh thu từ lĩnh vực này còn rất lâu mới có thể đạt bằng lĩnh vực sản xuất, không đủ để “nuôi sống” nền kinh tế.

Còn kinh tế sáng tạo thì Việt Nam vẫn còn ở những bước đầu tiên, trong khi vấp phải nhiều rào cản về mặt cơ chế, cần hỗ trợ trên nhiều mặt. Do đó, chúng ta cũng có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ rất tài năng nhưng đều phải ra nước ngoài làm ăn.

Tôi vẫn cho rằng Việt Nam cần xây dựng một nền công nghiệp hỗ trợ mạnh, đồng thời phát huy các thế mạnh sẵn có như ngành nông nghiệp một cách quy mô bài bản.

Bấy lâu nay các nông dân Việt Nam luôn vướng vào câu chuyện thương lái một số nước sang thu mua giá cao một vài năm, sau đó ngừng nhập khiến nông dân ta chịu nhiều hậu quả. Việc đó có thể giải quyết bằng cách Nhà nước hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh chuyên về mảng đó. Để khi nước ngoài đến, họ phải làm việc, ký kết hợp đồng với một tập đoàn có vị thế, có uy tín thì mới tránh trường hợp bị ép giá hoặc tình cảnh nêu trên.

Do đó, tôi rất mong sớm có những thay đổi kịp thời về chính sách, cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hơn nữa để chúng ta tận dụng được các thành quả của hội nhập kinh tế quốc tế nhiều năm qua.

- Xin cám ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các FTA

    VCCI hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các FTA

    02:35, 09/04/2023

  • Chớp thời cơ ưu đãi thuế của các FTA

    Chớp thời cơ ưu đãi thuế của các FTA

    01:00, 27/02/2023

  • Yếu tố hỗ trợ ngành dệt may trong năm 2023 đến từ các FTA

    Yếu tố hỗ trợ ngành dệt may trong năm 2023 đến từ các FTA

    03:30, 16/02/2023

  • "Cánh cửa" EVFTA chưa rộng mở với ngành xuất khẩu thủy sản

    04:00, 13/02/2023

  • Năm 2023, ngành xuất khẩu cần tận dụng tối đa các FTA

    Năm 2023, ngành xuất khẩu cần tận dụng tối đa các FTA

    05:00, 10/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Đòn bẩy” hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO