Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ 1/8/2020. Cơ hội mới này cũng đòi hỏi Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc chuyên đề nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đối với các dự án của ngành Giao thông vận tải. Tại đây, Phó Thủ tướng cũng đánh giá, thời gian vừa qua, cảng biển có nhiều phát triển nhưng phân tán, thiếu đồng bộ, thiếu các cảng cạn (ICD), thiếu trung tâm logistics làm hạn chế năng lực logistics của Việt Nam, ảnh hưởng đến giá thành và tính cạnh tranh của hàng hoá.
Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã công bố mở cảng cạn (ICD) Long Biên, cảng cạn thứ 7 tại khu vực phía bắc. Bộ Tài chính đã ký quyết định số 769/QĐ-BTC công nhận Cảng cạn Long Biên là địa điểm làm thủ tục Hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa.
Hàng hóa nhập cảng sẽ được vận chuyển thẳng về cảng cạn Long Biên và mở tờ khai giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tối ưu các loại chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc và ùn tắc ở cảng biển.
Cảng cạn Long Biên (do Công ty cổ phần Hateco logistics làm chủ đầu tư) sẽ đi vào hoạt động vào đúng thời điểm EVFTA bắt đầu có hiệu lực ngày 1/8/2020.
Theo quyết định được công bố, ICD Long Biên có vị trí tại số 1 đường Huỳnh Tấn Phát, khu công nghiệp Sài Đồng B (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Hateco logistics làm chủ đầu tư. “Thời gian hoạt động của ICD Long Biên đến năm 2025 hoặc đến khi cảng cạn Cổ Bi, Phù Đổng hoàn thành, đưa vào khai thác”, quyết định nêu rõ.
ICD Long Biên có tổng diện tích khoảng 12ha, trong đó diện tích kho bãi là 50.000m2 với năng lực thông qua đến khoảng 135.000 Teus/năm.
Theo đó các mặt hàng xuất nhập khẩu được giảm thuế suất, kim ngạch xuất nhập khẩu và cán cân thương mại sẽ gia tăng.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Hateco logistics hoàn thiện các thủ tục nhượng quyền sử dụng đất, bổ sung mục đích sử dụng đất và nghiệm thu tổng thể về phòng cháy chữa cháy công trình cảng cạn trước khi đưa vào khai thác chính thức; đồng thời, tổ chức khai thác cảng cạn theo đúng quy định, mục đích, bảo đảm an toàn, an ninh, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Cảng cạn Long Biên là cánh tay nối dài với hệ thống cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu đường bộ từ bắc vào nam, cách cảng Hải Phòng 100 km, cảng Lạch Huyện 122 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 26km, biên giới Trung Quốc 126km, là cửa ngõ các khu công nghiệp trọng điểm phía bắc, giao thông thuận lợi, dễ dàng kết nối với các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên và nhiều tỉnh thành phía bắc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 8 cảng cạn và 16 điểm thông quan hàng hóa (có chức năng như cảng cạn). Trong đó, khu vực phía Bắc có 7 ICD, 7 điểm thông quan nội địa, gồm: ICD Phúc Lộc - Ninh Bình; ICD Km3+4 Móng Cái, Quảng Ninh; ICD Hải Linh, Phú Thọ; ICD Tân Cảng Hải Phòng; ICD Đình Vũ - Quảng Bình, Hải Phòng; ICD Hoàng Thành, Hà Nội và ICD Long Biên. Khu vực phía Nam có 1 ICD và 9 điểm thông quan nội địa. Miền Trung chưa có ICD nào.
ICD là gì?
Điều 4 Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định: Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường biển…
Có thể bạn quan tâm
11:31, 05/04/2019
00:58, 17/10/2018
05:53, 25/07/2018
17:53, 15/07/2018