Đón dòng đầu tư phát triển công nghiệp y dược

HẠNH LÊ 20/07/2023 15:47

Nhiều nhà đầu tư đã tiếp cận và muốn rót vốn vào ngành dược song để trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt còn nhiều rào cản.

>>>Cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp y dược

Chia sẻ tại hội thảo “Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” ngày 20/7, ông Luke Treloar - Thành viên điều hành KPMG Việt Nam đánh giá cao tiềm năng của ngành dược Việt Nam và tin tưởng rằng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm khoa học đời sống của Đông Nam Á.

Tiềm năng phát triển lớn

Cách đây gần 3 năm, thị trường y dược được định giá khoảng 10 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 16 tỷ vào năm 2026. Y dược cũng là một trong những lĩnh vực thu hút được sự quan tâm đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp dược phẩm lớn trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: phát triển ngành công nghiệp dược là một trong những ưu tiên trọng tâm của Chính phủ. Hai kỳ vọng cho sự phát triển của ngành là phát triển sản phẩm dược mới, thuốc biệt dược, thuốc phát minh và tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất dược.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, gần đây, một số tập đoàn dược lớn ở Việt Nam  mong muốn phát triển một khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành dược và đang manh nha có các ý tưởng đầu tư dự án tương tự. Đây là một ý tưởng tốt, nếu chúng ta hình thành được các cụm, khu công nghiệp tập trung sản xuất dược phẩm sẽ tạo ra cơ sở để thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược, tiến tới đưa Việt Nam trở thành hub của khu vực về sản xuất dược phẩm.

Ông Luke Treloar chia sẻ: qua nghiên cứu, chúng tôi đã xác định 3 lĩnh vực chính Việt Nam nên tập trung nghiên cứu để khai thác. Đó là, nội địa hóa sản xuất khoa học đời sống; số hóa toàn ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tăng cường nội địa hóa hoạt động R&D vào Việt Nam.

Trong đó, hoạt động R&D nên bắt đầu từ các thử nghiệm lâm sàng. Việt Nam có rất nhiều cơ hội để nội địa hóa các thử nghiệm lâm sàng, bắt đầu từ giai đoạn ba, sau đó chuyển lên chuỗi giá trị sang giai đoạn hai và giai đoạn một. Thậm chí là hóa học lâm sàng cho những gì Việt Nam có thể làm, tập trung vào đổi mới, tập trung vào sở hữu trí tuệ và chú trọng thu hút các doanh nghiệp dược phẩm toàn cầu đến Việt Nam.

Ngành dược phẩm toàn cầu đã chi 1.000 tỷ USD cho hoạt động R&D. Hiện tại chỉ một phần nhỏ trong số đó đang được tiến hành ở Việt Nam.  Nếu hoạt động này được đẩy mạnh sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam.

Cởi gỡ rào cản từ thể chế

Khẳng định, nhân sự ngành dược ở Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu với quy mô đào tạo đã tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước, GS.TS Nguyễn Hải Nam - Hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội băn khoăn về những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư vào ngành dược bởi đây là lĩnh vực yêu cầu trình độ rất cao và rất rủi ro.

“Chúng ta ban hành nhiều chính sách nhưng chưa đủ, nhất là cơ chế chính sách thông thoáng. Chẳng hạn, từ lúc lập dự án tới khi đầu tư có khi phải mất 5 năm - khoảng thời gian rất dài. Hay các chương trình cho vay ưu đãi đầu tư vào công nghệ cao trong lĩnh vực dược phẩm chưa có” - Hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội cho biết.

Ngành dược phẩm toàn cầu đã chi 1.000 tỷ USD cho hoạt động R&D

Ngành dược phẩm toàn cầu đã chi 1.000 tỷ USD cho hoạt động R&D 

Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Sử - Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho rằng, ngành dược đòi hỏi đầu tư R&D, công nghệ rất lớn. Do vậy, muốn chiến lược phát triển ngành dược mạnh, nhất định phải có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư và trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp dược trong nước. Tuy nhiên, đang có những rào cản trong hợp tác chiến lược. Với doanh nghiệp có vốn nhà nước thì quy trình phức tạp, với doanh nghiệp tư nhân lại lo ngại về quản trị...  

Theo ông Đỗ Văn Sử, trong lĩnh vực dược phẩm, sự thay đổi của ngành sản xuất chậm hơn so với các ngành khác. Trước đây, lĩnh vực này đều do nhà nước sở hữu chi phối, qua quá trình cổ phần hoá có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân. Song doanh nghiệp cổ phần hoá có con người cũ, quy trình cũ nên chưa thể chuyển hoá nhanh; doanh nghiệp tư nhân mới gia nhập gặp rào cản về tiềm lực vốn, khả năng tự nghiên cứu… Chưa kể, những khó khăn từ đấu thầu, kiểm soát dược phẩm, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm… hạn chế sự phát triển của dược phẩm Việt Nam.

Vì vậy, để đón dòng đầu tư phát triển công nghiệp y dược, quan trọng và cần thiết các doanh nghiệp mong đợi là hành lang pháp lý đầy đủ; các cơ chế chính sách thông thoáng, minh bạch, rõ ràng và hấp dẫn để "đi tắt, đón đầu", tiếp nhận công nghệ mới, hiện đại... từ các nhà đầu tư. Đồng thời, sớm quy hoạch, hình thành các trung tâm, cơ sở nghiên cứu, sản xuất trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các nước có ngành công nghiệp y dược hiện đại. 

Có thể bạn quan tâm

  • Startup y dược dồn dập nhận vốn lớn

    Startup y dược dồn dập nhận vốn lớn

    05:36, 25/07/2022

  • Làm giàu từ cây dược liệu

    Làm giàu từ cây dược liệu

    02:32, 01/06/2022

  • Tây Nguyên: Cây dược liệu thu hút nhiều bạn trẻ nuôi ý tưởng khởi nghiệp

    Tây Nguyên: Cây dược liệu thu hút nhiều bạn trẻ nuôi ý tưởng khởi nghiệp

    01:06, 11/09/2021

  • Traphaco xác lập kỷ lục Việt Nam “Công ty dược số 1 về thuốc Đông dược”

    Traphaco xác lập kỷ lục Việt Nam “Công ty dược số 1 về thuốc Đông dược”

    07:08, 30/03/2021

  • VCCI hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành y dược

    VCCI hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành y dược

    11:25, 03/12/2020

  • VIETNAM MEDIPHARM EXPO 2020: Gắn kết và thúc đẩy tăng trưởng trong ngành Y Dược

    VIETNAM MEDIPHARM EXPO 2020: Gắn kết và thúc đẩy tăng trưởng trong ngành Y Dược

    11:45, 03/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đón dòng đầu tư phát triển công nghiệp y dược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO