Kinh tế thế giới

"Mở khoá" dòng vốn tư nhân cho chuyển đổi xanh tại Đông Nam Á

Cẩm Anh 09/07/2025 11:07

Để thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, các nước Đông Nam Á cần thúc đẩy triển khai các dự án đáp ứng các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

esg.jpg
Đông Nam Á cần thúc đẩy triển khai các dự án đáp ứng các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)

Theo ông Srini Nagarajan, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng khu vực châu Á của British International Investment (BII), tổ chức tài chính phát triển của Chính phủ Anh, để đạt được mục tiêu thu hút vốn tư nhân cho phát triển bền vững, các quốc gia Đông Nam Á cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư tập trung vào tính bền vững.

Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa các thủ tục triển khai dự án, từ quyền tiếp cận đất đai đến kết nối hạ tầng lưới điện và mạng lưới truyền tải cũng là yếu tố quan trọng nhằm thu hút dòng vốn dài hạn.

Theo ông Nagarajan, trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao, các khoản đầu tư vào thị trường mới nổi như Đông Nam Á đang đối mặt với áp lực lớn hơn về lợi nhuận và rủi ro.

Việc khu vực này thiếu các cơ hội đầu tư đủ tiêu chuẩn và có khả năng sinh lời rõ ràng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng khiến nhà đầu tư tư nhân chưa thực sự mặn mà.

“Các nhà đầu tư sẽ đến nếu họ thấy rằng có thể sinh lời. Đó là điều then chốt. Khi có tiền lệ tạo ra lợi nhuận, niềm tin vào hệ thống sẽ gia tăng đáng kể,” ông nói và dẫn ví dụ từ sự thành công của Trung Quốc và Ấn Độ trong việc tạo ra các mô hình đầu tư hấp dẫn cho khu vực tư nhân.

Với đặc thù là một khu vực bao gồm phần lớn các nền kinh tế đang phát triển, Đông Nam Á từ lâu được nhìn nhận là khu vực có mức độ rủi ro cao, dù đó là rủi ro thực tế hay chỉ là nhận thức của nhà đầu tư.

Điều này khiến nhiều dự án bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, khó tiếp cận được nguồn vốn cần thiết do chi phí đầu tư ban đầu thường lớn.

Trong bối cảnh đó, vai trò của các tổ chức tài chính phát triển như BII càng trở nên quan trọng. Với sứ mệnh thúc đẩy đầu tư vào các thị trường mới nổi, BII hỗ trợ các dự án thông qua cách tiếp cận linh hoạt và kiên nhẫn với rủi ro, nhằm giảm thiểu trở ngại và dẫn dắt dòng vốn tư nhân tham gia.

chuyen-doi-xanh-1696927682.jpg
Để thu hút hiệu quả nguồn vốn tư nhân cho chuyển đổi xanh, Đông Nam Á cũng cần tập trung vào xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, ổn định

Với cam kết phân bổ ít nhất 30% các khoản đầu tư mới hàng năm cho các sáng kiến khí hậu, nhiều tổ chức như BII đang xem Đông Nam Á là thị trường chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu này. Trong khu vực, hiện các tổ chức đang đặc biệt quan tâm vào các lĩnh vực như năng lượng sạch quy mô lớn, hệ thống phát điện cho doanh nghiệp, quản lý nước và chất thải, xe điện (EV), và các cơ sở xử lý rác thành năng lượng.

Theo ông Nagarajan, các quốc gia cần được ưu tiên trong khu vực là Indonesia, Philippines và Việt Nam, những nền kinh tế đang đối mặt với nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, đồng thời có mức độ phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch, thiếu các dự án đủ điều kiện tài chính và cần nhiều nguồn vốn tư nhân hơn.

“Chính tại những thị trường này, vốn của chúng tôi phát huy vai trò rõ rệt nhất. Đông Nam Á là khu vực rất đa dạng, với mức độ phát triển hạ tầng và hệ thống pháp lý khác nhau, đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó, việc thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo là rất cần thiết", ông Nagarajan nhận định.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng, để thu hút hiệu quả nguồn vốn tư nhân cho chuyển đổi xanh, các quốc gia Đông Nam Á cần tập trung vào xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và dễ dự đoán, yếu tố then chốt giúp giảm thiểu rủi ro cảm nhận từ phía nhà đầu tư.

Việc ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng năng lượng sạch, giao thông bền vững, hay công nghệ xử lý chất thải cần được đồng hành với cam kết dài hạn từ chính phủ và cơ quan quản lý, tránh thay đổi đột ngột gây tâm lý e ngại.

Ông Nagarajan khuyến nghị rằng các nước trong khu vực nên chủ động thiết lập các cơ chế bảo lãnh rủi ro hoặc quỹ đồng tài trợ công - tư để tạo "đòn bẩy ban đầu" cho các dự án quy mô lớn.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng là chiến lược dài hạn giúp Đông Nam Á mở rộng hệ sinh thái đầu tư bền vững.

Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào các nhà đầu tư ngoại quốc, mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo nội sinh. Theo ông Nagarajan, các chương trình hỗ trợ tài chính xanh, đào tạo ESG, và tiếp cận tín dụng ưu đãi nên được đẩy mạnh ở cấp vùng, tạo ra một lực lượng doanh nghiệp có năng lực tiếp cận vốn xanh từ sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Mở khoá" dòng vốn tư nhân cho chuyển đổi xanh tại Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO