Lạng Sơn đang đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu; đôn đốc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Tạo thuận lợi tối đa
Trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn (Khu KTCK) hiện có 158 dự án đầu tư, trong đó có 15 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư trên 85 triệu USD; 143 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư trên 20.400 tỷ đồng.
Thời gian qua, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn luôn đồng hành và ủng hộ tối đa các Nhà đầu tư từ bước tìm hiểu cơ hội đầu tư, đăng ký đầu tư, cấp phép xây dựng đến khi dự án đi vào hoạt động. Cụ thể, Ban Quản lý tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu về chính sách ưu đãi đầu tư; cập nhật và công khai các thông tin kinh tế xã hội của tỉnh, cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp... trên Cổng thông tin điện tử.
Về cải cách thủ tục hành chính, Ban Quản lý luôn chú trọng thực hiện tốt việc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. 100% thủ tục hành chính của Ban Quản lý được công bố công khai, đầy đủ theo quy định, hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện các bước thủ tục cho người dân, doanh nghiệp dễ hiểu, dễ tiếp cận và thao tác. Cung cấp 35 DVCTT toàn trình, 04 DVCTT một phần để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Hằng năm, Ban Quản lý đã chủ động rà soát, cắt giảm đơn giản hoá TTHC theo hướng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp…
Về thủ tục pháp lý, Ban Quản lý chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các Nhà đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan về đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư... Đôn đốc các Nhà đầu tư triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư theo tiến độ đã được phê duyệt. Tham mưu thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh...
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan triển khai thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ. Kịp thời tuyên truyền, thông tin trên báo chí về hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, các cơ chế quản lý, chính sách xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc để chủ động tháo gỡ khó khăn,báo cáo, tham mưu những vấn đề vượt thẩm quyền.
Cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp
Ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Quản lý Khu Kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, trong những năm qua, với tinh thần luôn lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp, Ban Quản lý phối hợp với các cơ quan liên quan duy trì thực hiện có hiệu quả hoạt động đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Nhà đầu tư. Qua đó, chủ động tiếp thu, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, công tác quản lý nhà nước của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hàng năm, Ban Quản lý tổ chức từ 01- 02 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp và tổ chức kiểm tra định kỳ các dự án đầu tư trong khu vực được giao quản lý; thông qua các cuộc đối thoại và kiểm tra đã thông tin tới doanh nghiệp các cơ chế chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của Nhà đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp; lắng nghe những đề xuất, kiến nghị.
Vừa qua (13/9/2024), Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng - Lạng Sơn tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp, thương nhân xuất nhập khẩu hàng hóa tại Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng; các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đại diện trên 50 doanh nghiệp, thương nhân.
Theo đó, lãnh đạo Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn, Cục Hải Quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các sở ngành, đơn vị liên quan đã giải đáp một số ý kiến, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh bến bãi, đầu tư tại cửa khẩu; thủ tục về đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các KCN; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024... Đối với các nội dung quá thẩm quyền, các ngành, đơn vị tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn khẳng định, Ban Quản lý sẽ chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác trao đổi, hội đàm với các cơ quan liên quan phía Quảng Tây, Trung Quốc để đàm phán, thống nhất các biện pháp tiện lợi hoá thông quan qua các cặp cửa khẩu, lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu của hai Bên; thu hút, mở rộng các chủng loại hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đã có hoạt động XNK và sớm khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phụ còn lại trên địa bàn tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045 làm cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng, khu vực cửa khẩu biên giới phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường công tác thu hút và hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng và phát triển Khu KTCK, Khu công nghiệp; Tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án cấp mới, điều chỉnh. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn.
Theo đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư Dự án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.
Được biết, Dự án Khu trung chuyển hàng hoá thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn hiện đã thi công xong hạng mục san lấp; hoàn thành 90% hạng mục thi công hệ thống rãnh thoát nước; hạ tầng sân bãi trong khu trung chuyển cũng hoàn thành 90% khối lượng thi công. Một số hạng mục liên quan khác đã thi công khoảng 65%.
Đối với Dự án mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá tại khu vực mốc 1119- 1120 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Đến nay, chủ đầu tư đã vận động được 38/53 hộ dân nhận bồi thường (phần đường giao thông phạm vi đào nền và phần bãi đổ đất thừa) với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Giá trị gói thầu xây lắp đã thực hiện hơn 19,2 tỷ đồng (đạt 35,14% giá trị hợp đồng). Tổng giá trị giải ngân của dự án đạt trên 30,2 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan khắc phục khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch được phê duyệt; phối hợp các địa phương liên quan khẩn trương giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục báo cáo các cơ quan chức năng theo yêu cầu. Yêu cầu nhà thầu huy động nhân lực, phương tiện, tăng ca kíp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; quan tâm làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường….
Theo Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045, Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế; là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là khu kinh tế có hạ tầng kỹ thuật hiện đại và hạ tầng xã hội, đồng bộ gắn với phát triển thành phố Lạng Sơn mở rộng; là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.