Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ là chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ.
>>Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ
Đông Nam Bộ được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Bởi tính sơ bộ, hoạt động thương mại của Vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực”.
Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng: “Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển; đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hình thành khu Thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; và ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thuỷ chính của vùng.”
Ngày 09/01/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng: “Tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.”
Đặc biệt, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 825/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Việc Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng cũng cho thấy tầm quan trọng của yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ. Đáng lưu ý, 2 trong 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng được nêu rõ “Điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao gồm trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”.
Hiên tại vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (Thành phố HCM), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ ra một hạn chế của Vùng Đông Nam Bộ là “Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng”.
Như chúng ta đều thấy, hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành logistics đã có sự đầu tư khá tốt về hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa khu sản xuất chế biến, khu công nghiệp với cảng, sân bay và giữa vùng với các thị trường. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào chính cơ sở của mình như kho, bãi, cảng… nhưng về kết nối thì doanh nghiệp không làm được.
Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đưa ra chủ trương “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”. Đây là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò làm “đầu tàu” kéo theo sự phát triển của cả Vùng và cả nước. Để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng, trong đó, liên kết nội vùng, liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Việc hình thành phát triển Khu thương mại tự do sẽ giúp tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng và Vùng Đông Nam Bộ nói chung tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Bởi vì, các lợi ích hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới hiện nay tham gia hoạt động.
Diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức thu hút hơn 600 đại biểu tham dự là Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các Viện, Trường, Tổ chức quốc tế, đặc biệt là hơn 400 đại diện Hiệp hội, doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. |
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Cơ chế tạo “sức hút”
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đang hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư cho hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế.
Là cửa ngõ ra biển Đông của Vùng Đông Nam Bộ, tỉnh BR-VT có điều kiện thuận lợi giao thông kết nối đường bộ, thủy, hàng không. Trong đó, cảng được xác định là một trong hai cảng biển đặc biệt của quốc gia, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng và mạng lưới giao thông đường bộ nội tỉnh tương đối hoàn thiện, các dự án giao thông kết nối với vùng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP HCM, cầu Phước An nối từ cảng Cái Mép đến cao tốc Bến Lức – Long Thành, hệ thống giao thông liên cảng Cái Mép - Thị Vải và đường sắt kết nối liên vùng. Với các điều kiện thuận lợi nêu trên, ngành logistics đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh BR-VT, là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Đặc biệt, Nghị quyết số 24-NQ/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định “tỉnh Bà BR-VT là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics… Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ… tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 154/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết 24 với phương châm phát triển “Đột phá - Năng động - Sáng tạo – Bền vững”, Tỉnh Bà BR-VT xác định sẽ phát triển toàn diện, nhưng không dàn trải mà theo hướng chuyên môn hóa, tập trung vào những thế mạnh nổi trội, với mục tiêu trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia.