Đối ngoại

Động lực mới cho thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Trường Đặng 18/08/2024 04:00

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-anh-ttxvn-1231.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc từ ngày 18-20/8/2024 (Ảnh: TTXVN)

Nhiều dư địa hợp tác

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc trong các ngày 18-20/8/2024.

Về mặt hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng góp phần duy trì đà phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong những năm qua, Việt Nam liên tục nâng cao vị thế, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốctrong ASEAN và đứng thứ 5 trên toàn cầu của quốc gia láng giềng. Ngược lại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Tính tới 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương đã đạt 112,6 tỷ USD và đang có nhiều cơ hội để vượt qua con số 171,9 tỷ USD năm 2023. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng nhanh khi đạt hơn 1,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024.

Dư địa thương mại hai nước vẫn còn rộng lớn khi trong thời gian qua, hai bên có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương cũng như hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Trung Quốc đang muốn tham gia.

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục tìm thêm các cơ hội gia tăng các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Việt Nam là quốc gia có nhiều loại nông sản đặc sắc được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng như sầu riêng, cà phê… Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn cho nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi thị trường này đang ngày càng khắt khe và chọn lọc hơn, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải liên tục đổi mới và nắm bắt các thông tin mới của thị trường để điều chỉnh cho phù hợp.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn là điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản.... Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là nước cung cấp hàng hóa quan trọng cho Việt Nam với các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến đồ gia dụng.

cua-khau-230624-1.jpg
Nhiều cơ hội hợp tác kinh tế thương mại và cơ sở hạ tầng mới giữa Việt Nam và Trung Quốc được kỳ vọng trong tương lai (Ảnh: TTXVN)

Hợp tác cơ sở hạ tầng có nhiều tiềm năng

Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa, các dự án kết nối đường sắt cũng được cho sẽ là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.

Trong bối cảnh các hiệp định thương mại mới sắp đi vào thực hiện, kết nối cơ sở hạ tầng liên mạch được coi là yếu tố quan trọng đối với chuỗi cung ứng giữa hai nước. Xét tới năng lực hiện tại, xây dựng các tuyến đường sắt hiện đại và tốc độ cao là một phương án khả thi.

Vào tháng 12 năm 2023, ông Tập Cận Bình cũng đã đề cập tới vấn đề này, đề xuất các khoản viện trợ và khoản vay để giúp nâng cấp hệ thống đường sắt của Việt Nam. Hai nước cũng đã ký hai biên bản ghi nhớ (MoU) để tăng cường hợp tác đường sắt.

Theo các chuyên gia, đây sẽ là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam và Trung Quốc mong muốn đạt được các kết quả hợp tác thực chất mới.

Căn cứ vào nhu cầu thông thương giữa hai nước, tiềm năng hợp tác có thể đạt được trên ba tuyến đường sắt hiện có từ Lào Cai đến thành phố cảng Hải Phòng qua Hà Nội và từ Lạng Sơn đến Hà Nội, hoặc nghiên cứu xây dựng tuyến thứ ba dọc bờ biển từ Móng Cái đến Hải Phòng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành của Trung Quốc tài trợ và cung cấp công nghệ cho đường sắt Việt Nam, như nhà sản xuất tàu CRRC và China Railway Signal & Communication.

Việt Nam hiện đang chú trọng thu hút nguồn vốn thực chất và hiệu quả cao để nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng, trong đó mạng lưới đường sắt trong nước đang rất được quan tâm trước tình trạng xuống cấp đáng kể. Trong số đó, tuyến đường cao tốc dài 1.500 km từ Hà Nội đến TP.HCM, với chi phí ước tính khoảng 70 tỷ USD, đang được đốc thúc cũng là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực mới cho thương mại Việt Nam - Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO