Động lực phát triển mới của Vĩnh Long

Diendandoanhnghiep.vn Vĩnh Long sẽ thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế- xã hội – Đây là trao đổi của ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long với DĐDN

Theo ông Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, với tiềm năng, lợi thế địa lý, cùng với sự phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, giao thông, đô thị và đặc biệt là tuyến cao tốc Trung Lương- Cần Thơ, và xu hướng dịch chuyển của các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Vĩnh Long sẽ có nhiều cơ hội thu hút đầu tư và phát triển hơn nữa.

Ông Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

Ông Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

- Với các giải pháp đồng bộ và thực hiện 03 đột phá chiến lược, Vĩnh Long đang là điểm đến có sức hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông đâu là nền tảng tạo dư địa phát triển cho tỉnh Vĩnh Long những năm tiếp theo?

Trong thời gian qua, việc thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về thu hút vốn đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực đã thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Việc tập trung thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên địa bàn, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp,các đề án cơ cấu lại nền kinh tế, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành công thương,… đã tạo nền tảng kinh tế khá tốt, giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng xanh, ổn định và bền vững hơn.

Việc hình thành các yếu tố nền tảng nêu trên cùng với sự ổn định, phát triển của xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là những nỗ lực liên tục trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao năng lực cạnh tranh theo nghị quyết 02/NQ-CP của Chính chủ, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng chính quyền điện tử…đã giúp vị thế, hình ảnh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được củng cố và thân thiện trong mắt các tổ chức, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Với đặc điểm, tình hình phát triển hiện tại của tỉnh, cùng với dự báo về sự phát triển của thế giới, trong nước thì trong những năm tới, nền tảng, dư địa tăng trưởng của tỉnh sẽ dựa vào sự phát triển của các khu vực kinh tế như khu vực nông lâm, thủy sản; khu vực công nghiệp – xây dựng hay khu vực dịch vụ.

Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông mới, trong đó tập trung chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi, nâng cao giá trị trên diện tích đất trồng trọt và thủy sản. Dư địa và động lực tăng trưởng của khu vực này trong các năm tới chủ yếu đến từ lĩnh vực trồng trọt (chủ yếu là sự gia tăng của diện tích cây ăn trái) và lĩnh vực thủy sản (do đa dạng hóa đối tượng nuôi). Việc quy hoạch lại các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh theo Quy hoạch vùng Đồng băng sông Cửu Long giai đoạn tới cũng đặt ra cơ hội lớn cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Ngoài ra, ngành sản xuất công nghiệp của Vĩnh Long hiện nay chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ trọng 98,4%. Ngành này hiện suy giảm khá sâu do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị (Bình Minh, Vũng Liêm,...), các khu công nghiệp Bình Tân, Đông Bình, An Định và một số cụm công nghiệp, các tuyến Quốc lộ 53,54, 57,... đang được quan tâm, ưu tiên đầu tư, mở rộng theo quy hoạch, đặc biệt cầu Mỹ Thuận 2, tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ dự kiến hoàn thành trong giai đoạn tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Ngoài ra, việc thu hút được các dự án chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp và các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện trong những năm gần đây đang tạo triển vọng mới cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh.

Tại Vĩnh Long, ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao (~45%) trong cơ cấu kinh tế nhưng chủ yếu là là bán lẻ hàng hóa. Do đó, dư dịa tăng trưởng của khu vực này trong giai đoạn tới chủ yếu dựa vào tăng trưởng, phát triển hệ thống cung ứng sản phẩm dịch vụ hiện đại, hoạt động kinh doanh bất động sản gắn với quá trình mở rộng, nâng cấp đô thị TPVL và hình thành, mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, dư địa có thể đến từ việc phục hồi, mở rộng các ngành dich vụ có lợi thế của tỉnh như y tế, giáo dục - đào tạo, thông tin truyền thông, logistic.

Nhìn chung, với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đặc biệt là thành công trong thu hút đầu các dự án trong giai đoạn 2016 - 2020; với tiềm năng, lợi thế địa lý tiếp giáp 7 tỉnh, nằm trên trục phát triển đô thị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; sự phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, giao thông, đô thị và đặc biệt là tuyến cao tốc Trung Lương- Cần Thơ trong kỳ kế hoạch; xu hướng dịch chuyển của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; quy hoạch lại không gian phát triển,...thì Vĩnh Long sẽ có nhiều cơ hội thu hút đầu tư và phát triển hơn.

Dự án có chiều dài gần 23 km, trong đó đoạn qua tỉnh Vĩnh Long dài 12,5 km và đoạn qua Đồng Tháp dài khoảng 10,44 km. Điểm đầu của dự án cao tốc là tại vị trí phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long và điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối Quốc lộ 1), xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long

Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài gần 23 km, trong đó đoạn qua tỉnh Vĩnh Long dài 12,5 km. Điểm đầu của dự án cao tốc là tại vị trí phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long và điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối Quốc lộ 1), xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long

- Ông có thể cho biết trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Long đề ra phương hướng và mục tiêu phát triển kinh tế như thế nào?

Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới là: Tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “Nông nghiệp; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ”. Tiếp tục cơ cấu lại ngành công thương, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối tốt với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trên cơ sở đó tỉnh đã cụ thể hóa và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm tới với mục tiêu tổng quát là: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước; Xây dựng Vĩnh Long phát triển theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại; Tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực; hình thành và phát triển rõ nét những ngành, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực; Tiếp tục phát huy tối đa nguồn nội lực, đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; củng cố an ninh - quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự - an toàn xã hội.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát trên, tỉnh đã đề ra mục tiêu cụ thể với 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó có 08 chỉ tiêu kinh tế. Cụ thể là Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng 6,0%/năm; Tỷ trọng khu vực kinh tế phi nông nghiệp tăng 1,15 điểm%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đến năm 2025 đạt 82,7 triệu đồng/người; Huy động ngân sách hàng năm tăng 2,1%; Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 870 triệu USD; Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 83.000 tỷ; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%; và Số doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế đạt 4.270 doanh nghiệp.

- Nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu đó, chính quyền tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục đề ra những giải pháp gì trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thưa ông?

Vĩnh Long luôn quán triệt quan điểm, để phát triển kinh tế của một tỉnh, ngoài việc phát huy tốt nội lực thì việc huy động nguồn lực từ bên ngoài có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Vấn đề thu hút đầu tư không chỉ đơn thuần là hút nguồn vốn của nhà đầu tư cho nền kinh tế, mà điều quan trọng là thu hút được công nghệ mới, máy móc thiết bị tiên tiến, thu hút được cách thức quản lý tốt, chuyên gia giỏi, tạo ra thị trường rộng lớn, tạo việc làm, tạo nên năng suất cao, tăng thu thập cho người lao động và tăng thu ngân sách nhà nước.

Việc dịch chuyển đầu tư đã và đang diễn ra và Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia hấp dẫn thu hút sự dịch chuyển, cơ hội sẽ dành cho tất cả tỉnh, thành trong nước. Do đó, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất, Vĩnh Long sẽ tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách khoa học, toàn diện, bền vững và đáp ứng yêu cầu, thông lệ quốc tế.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tác phong làm việc năng động, nhiệt tình, tận tụy trong việc đồng hành chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, giải quyết nhanh vướng mắc về thủ tục. Qua đó, tạo dựng niềm tin để giữ chân nhà đầu tư, doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mở rộng đầu tư và kéo doanh nghiệp khác tiếp tục về đầu tư tại Vĩnh Long.

Ngoài ra, Vĩnh Long sẽ nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng của kinh tế tỉnh nhà đối với các thay đổi từ bên ngoài để các nhà đầu tư yên tâm xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn. Tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi; chủ động xây dựng các kịch bản đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 mới.  

Các nhà máy, xí nghiệp tại Vĩnh Long

Các nhà máy, xí nghiệp tại Vĩnh Long

Vĩnh Long cũng đang đẩy mạnh việc phát huy hình ảnh, thương hiệu của Vĩnh Long (Marketing địa phương). Đánh giá các nguồn lực của nền kinh tế (nhân lực, vật lực, tài lực) để huy động, phát huy, sử dụng cho quá trình cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công thương và đầu tư công; rà soát, xác định dư địa tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực để ưu tiên nguồn lực đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh luôn nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp của công tác xúc tiến đầu tư. Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với xu thế thị trường và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Xác định lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư, cập nhật danh mục mời gọi đầu tư gắn với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu long. Chuẩn bị nguồn nhân lực có năng lực quản trị, tay nghề đáp ứng chuẩn mực khu vực và quốc tế.

Cuối cùng, Vĩnh Long sẽ huy động nguồn lực thực hiện tiếp các đột phát chiến lược về thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, trọng tâm là thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Động lực phát triển mới của Vĩnh Long tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714462924 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714462924 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10