Động lực phát triển thị trường chứng khoán tới 2030

SONG NHI 23/07/2024 16:40

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải, về mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tới 2030, đã có một số tiêu chí chúng ta gần đạt được...

>>>Bộ Tài chính nói gì triển vọng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới?

Chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, Cơ hội mới” do báo Đầu tư tổ chức sáng 23/7/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Bùi Hoàng Hải cho biết, TTCK Việt Nam có một chặng đường phát triển chưa dài, 24 năm, so sánh với thị trường trong khu vực, thời gian hình thành và phát triển chỉ bằng một phần tư các thị trường xung quanh như Philippines, Thailand, Malaysia… Trong thời gian 24 năm, thị trường đã có những bước tiến vượt bậc và có thể vươn tới quy mô thị trường khá lớn trong khu vực. Đầu tiên chỉ với 2 cổ phiếu thì tới hiện nay đã có hơn 1.800 mã cổ phiếu đc đăng ký niêm yết giao dịch với mức vốn hóa thị trường lên tới 70% GDP (300 tỷ USD). Nếu tính theo vốn hóa thị trường trên thế giới thì vốn hóa thị trường của TTCK Việt Nam không hề thấp, có thể đứng thứ 34 hoặc 35 về tỷ lệ mức vốn hóa lớn nhất trên thế giới.

Tọa đàm

Tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, Cơ hội mới”do báo Đầu tư tổ chức sáng 23/7/2024

Ông Hải khẳng định thị trường hiện nay đã rất sôi động, mức thanh khoản của thị trường trong năm 2024 luôn ở mức gần 1 tỷ USD, đó là chưa tính đến khối lượng trên thị trường trái phiếu Chính phủ (khoảng 8 – 9 nghìn tỷ đồng/phiên) và trái phiếu doanh nghiệp.

"Do vậy, có thể nói, nếu chỉ tính theo tính thanh khoản, TTCK Việt Nam có thể tự tin là một trong những thị trường sôi động nhất tại Đông Nam Á", theo Phó Chủ tịch UBCKNN Bùi Hoàng Hải.

Ngoài ra, lãnh đạo UBCKNN cũng nhấn mạnh, trong 24 năm qua, TTCK đã tạo ra giá trị rất lớn đối với nền kinh tế. Đầu tiên, có thể nói về công tác cổ phần hóa. Sự ra đời của TTCK đã thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước. Nếu nhìn trên thị trường, trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp đang niêm yết và đăng ký giao dịch có đến gần một nửa là các doanh nghiệp có nguồn gốc cổ phần hóa. Với thị trường chứng khoán, đã có rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước mở rộng sản xuất, kinh doanh và đem lại rất nhiều giá trị cho nhà đầu tư và Nhà nước. Điển hình như REE, doanh nghiệp đầu tiên tham gia TTCK và nay đã trở thành doanh nghiệp lớn đầu ngành.

>>>Đón cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, có thể thấy rất nhiều tập đoàn tư nhân đang niêm yết trên TTCK. Nếu ko có TTCK, chỉ với năng lực nội tại và nguồn vốn ngân hàng thì chúng ta khó có các tập đoàn lớn hiện nay đang niêm yết và có thể có những tập đoàn đứng trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất của Đông Nam Á, đại diện UBCKNN chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông Hải cũng cho rằng ý nghĩa lớn hơn nữa là có TTCK, thì mới lan tỏa tinh thần kinh doanh một cách công bằng và minh bạch. Đồng thời hiện nay, với sự khuyến khích của các chính sách, TTCK đang tác động đến  hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp theo hướng có trách nghiệm hơn với cả xã hội và môi trường thông qua thực hành theo nguyên tắc của ESG, ngày càng đóng góp tốt hơn cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế.

Về mục tiêu phát triển thị trường tới 2030, Lãnh đạo UBCKNN cũng cho biết đã có 1 số tiêu chí chúng ta gần đạt được, như tiêu chí về tỷ lệ vốn hóa/GDP, tổng số lượng nhà đầu tư/tổng dân số của Việt Nam… Nếu tính về con số tỷ lệ vốn hóa/GDP, chúng ta đang giảm so với năm 2020, 2021, tuy nhiên nếu tính về mức độ tuyệt đối, mức vốn hóa thị trường đang tăng rất mạnh và chiếm 70% GDP, theo ước đoán là khoảng 300 tỷ USD, số lượng nhà đầu tư lên tới 9 triệu người và gần đạt với mục tiêu đề ra về chiến lược phát triển TTCK.

"Khi xây dựng chiến lược phát triển TTCK, chúng tôi đặt ra mục tiêu khá tham vọng và không dễ đạt được. Tuy nhiên, điểm chúng tôi nhìn thấy là có nhiều tiềm năng chúng ta có thể đạt được, nếu có sự cố gắng đồng lòng từ cơ quan quản lý, các thành viên thị trường. Chúng tôi tin rằng, với nền tảng vững chắc của kinh tế và chính sách để hướng tới các mục tiêu như nâng hạng thị trường, rà soát quy định pháp lý... làm sao đảm bảo để tham gia thị trường thuận lợi cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư,  thì có thể đạt được mục tiêu phát triển TTCK theo như đề án phát triển TTCK tới 2030", ông cho biết.

Tại tọa đàm, các khách mời tham dự cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến, đánh giá về cơ hội mới, động lực mới của TTCK Việt Nam. 

Trong đó, theo bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán SSI chia sẻ, nâng hạng TTCK là một trong những động lực hết sức quan trọng và một khi đạt được, thay vì phải chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, chúng ta sẽ dòng vốn quốc tế rất lớn đổ vào.

Cũng liên quan đến câu chuyện cải thiện chính sách để đạt các tiêu chí nâng hạng, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, việc TTCK nâng hạng vào năm 2025 là mục tiêu được Chính phủ chỉ đạo, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp trong phạm vi, chức trách, nhiệm vụ của mình để giải quyết nút thắt gây cản trở cho việc nâng hạng.

Về phía Bộ Tài chính, công tác chuẩn bị không hề trầm lắng mà diễn ra vô cùng sôi động. Hiện nay, UBCK cùng các thành viên thị trường như SSI, Techcombank và các ngân hàng lưu ký… đang tích cực xây dựng các giải pháp, chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, công nghệ, tài chính… để chuẩn bị cho việc thị trường nâng hạng,  cũng như các giải pháp để nâng hạng.

Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC) – live từ NewYork (Hoa Kỳ), chia sẻ, điều quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đang nhìn nhận Việt Nam như một "thiên đường đầu tư", mặc dù còn có những khó khăn song đây là cơ hội lớn. "Việt Nam tưởng là khó khăn nhưng thực ra đang chiếm một ưu thế nhất định do nhiều nhà đầu tư đang chuyển dịch xu hướng đầu tư về Việt Nam, sự chuyển dịch này giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng thời gian qua. Tôi cho rằng, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển này và cần sự sẵn sàng cho điều đó", ông Tâm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Tổng giám đốc TCBS cho rằng, với những thay đổi mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán đang sát sao thúc đẩy triển khai, sẽ mở ra khung pháp lý tương đối mở cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường. Theo bà Hiền bản thân nội tại doanh nghiệp, động lực của họ cộng với mong muốn, như ông Tâm nói, thì các doanh nghiệp cần có thêm lòng tin và tin rằng khung pháp lý mới sẽ đáp ứng được điều này.

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán: Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, định giá ngắn hạn kém hấp dẫn

    Chứng khoán: Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, định giá ngắn hạn kém hấp dẫn

    05:00, 23/07/2024

  • Chọn chứng khoán, gửi vàng hay an toàn với kênh tiết kiệm online?

    Chọn chứng khoán, gửi vàng hay an toàn với kênh tiết kiệm online?

    06:05, 18/07/2024

  • Đón cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán

    Đón cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán

    03:00, 17/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực phát triển thị trường chứng khoán tới 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO