Đánh giá về triển vọng kinh tế từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, do những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế sẽ không đạt mức cao như kỳ vọng.
Tổng cục Thống kê vừa công bố GDP quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: dù còn nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực.
>>> Phát huy nội lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững
Với xu hướng tích cực: quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%, tăng trưởng kinh tế liên tục đi lên qua từng quý. Như vậy, với mức tăng trưởng này kinh tế quý III đã được cải thiện đáng kể và xu thế phục hồi cũng trở nên rõ nét hơn.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI.
"Cầu tiêu dùng sẽ có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm. Trong khi đó, về phía cung, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế", Bà Nguyễn Thị Hương nói.
Với khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo thoát khỏi vòng suy giảm âm từ đầu năm và có dấu hiệu khởi sắc trong quý III sẽ giảm tối đa áp lực cho tăng trưởng.
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ những tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá.
“Lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và kích thích tiêu dùng của người dân”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.
Bà Hương cũng nhận định: Với hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do hoạt động sản xuất đã bớt khó khăn và xu hướng tăng nhẹ của hoạt động xuất khẩu những tháng gần đây. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản có dấu hiệu tăng trở lại.
Ngoài ra, một động lực thúc đẩy tăng trưởng quan trọng mà bà Hương nhắc tới là Việt Nam đang tích cực triển khai dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế kinh tế xã hội. Đây cũng là động lực chính để phát triển kinh tế những tháng cuối năm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho khẳng định nền kinh tế vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm. Trong đó, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn.
>>> Liên kết logistics tăng trưởng kinh tế vùng
Hoạt động xuất, nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn do cơ hội phát triển thị trường, đơn hàng sụt giảm; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng...
Đầu tư nước ngoài cũng được cho là còn gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế chính vì vậy được nhận định nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cần phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn,….
Cùng với việc giảm thuế, hoãn thuế, theo bà Hương cũng cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới.
>>> Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vốn ngân hàng
Việc tận dụng tốt các FTA đã ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp quan trọng.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng là giải pháp quan trọng mà lãnh đạo Tổng cục thống kê nhắc tới.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 23/09/2023
00:06, 17/09/2023
19:30, 09/09/2023
16:30, 09/07/2023