Khởi nghiệp quốc gia

Động lực từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thanh Hương 10/05/2025 8:07

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chất lượng và tính bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.

gianhang6.jpg
Khởi nghiệp sáng tạo không chỉ tạo ra sản phẩm mới, mà còn thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái. (Các dự án khởi nghiệp tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2024. Ảnh: Quốc Tuấn)

Sự xuất hiện của các startup đang tạo ra áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp truyền thống trong nền kinh tế phải tự đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động để tồn tại và phát triển.

Góp phần hình thành cộng đồng doanh nhân

Phát biểu tại Hội thảo Xây dựng Đề án hỗ trợ học sinh – sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2026 – 2035, TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam còn yếu về quy mô và chất lượng nên thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò then chốt.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) giúp đổi mới công nghệ và tạo động lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. KNĐMST là nguồn cung cấp các công nghệ tiên tiến (như AI, Fintech, Biotech) và các mô hình kinh doanh mới lạ cho nền kinh tế. Hơn nữa, các mô hình "Đổi mới sáng tạo mở" (Open Innovation) đang ngày càng được quan tâm, nơi các doanh nghiệp lớn hơn chủ động hợp tác, đầu tư hoặc mua lại các startup để tiếp cận nguồn tri thức, công nghệ và ý tưởng từ bên ngoài. Các startup cũng đóng vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực khác nhau, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

gianhang11.jpg

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp KNĐMST còn đóng góp trực tiếp vào việc tạo ra việc làm mới. Mặc dù quy mô ban đầu của mỗi startup có thể nhỏ, nhưng sự phát triển của cả hệ sinh thái sẽ tạo ra một lượng lớn việc làm. Ngoài ra, khởi nghiệp sáng tạo không chỉ tạo ra sản phẩm mới, mà còn thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái gồm các nhà đầu tư thiên thần, vườn ươm doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học. Sự kết nối này góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới tới toàn khu vực tư nhân, hình thành cộng đồng doanh nhân có tư duy hiện đại, dám nghĩ – dám làm.

Việc thúc đẩy KNĐMST tăng cường năng lực cạnh tranh và góp phần quốc tế hóa khu vực tư nhân. Sự năng động của các startup tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân khác phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng lực quản trị. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng góp phần đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các ngành truyền thống.

Khuyến nghị về nhóm giải pháp chính sách

Theo TS Bùi Thanh Minh, để phát huy hiệu quả vai trò động lực của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối việc thúc đẩy kinh tế tư nhân, hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045, Việt Nam cần triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt các nhóm giải pháp chính sách. Đó là:

Hoàn thiện thể chế và môi trường pháp lý: Cần xây dựng khung pháp lý riêng cho khởi nghiệp sáng tạo, xác định rõ địa vị pháp lý của startup, cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox), cũng như các quy định về đầu tư mạo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc hoàn thiện Luật Doanh nghiệp cần tính đến đặc thù của mô hình khởi nghiệp công nghệ cao.

Tăng cường hỗ trợ tài chính và đầu tư mạo hiểm: Chính phủ nên thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo công – tư, đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ startup ở giai đoạn đầu. Cần có chính sách ưu đãi thuế cho nhà đầu tư thiên thần (angel investors) và miễn thuế thu nhập trong giai đoạn khởi nghiệp 3–5 năm đầu. Cơ chế bảo lãnh tín dụng từ nhà nước cũng nên được áp dụng cho startup có tiềm năng đổi mới sáng tạo; ban hành chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn cho các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần; đơn giản hóa thủ tục thành lập và hoạt động của các quỹ đầu tư; nghiên cứu thành lập hoặc tham gia các quỹ đầu tư đồng hành (matching fund) của nhà nước để chia sẻ rủi ro và thu hút vốn tư nhân vào các lĩnh vực ưu tiên.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khởi nghiệp: Đẩy mạnh việc tích hợp kiến thức, kỹ năng về kinh doanh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo ở các cấp học, đặc biệt là đại học. Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới chuyên gia cố vấn (mentors) và chương trình trao đổi quốc tế giúp startup mở rộng tầm nhìn toàn cầu.

Kết nối startup với thị trường toàn cầu: Tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực và mở rộng mạng lưới hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để thực sự trở thành hạt nhân điều phối, kết nối các nguồn lực, cung cấp dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao (phòng lab, cố vấn, kết nối quốc tế) cho hệ sinh thái. Việt Nam có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng mở rộng sang các thị trường như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ… Đây cũng là cách nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân trong bối cảnh hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO