Đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới) đạt 574 nghìn tỷ đồng (số liệu dự ước), tăng 7,9% so với cuối năm và tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Đây là tốc độ tăng khá, đặt trong mối liên hệ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành và của vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 (gồm TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai) cho biết.
Phân tích đánh giá hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Lệnh cho rằng kết quả nổi bật trước tiên, là tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ và sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tăng trưởng và phát triển. Theo đó, cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, chiếm khoảng trên 85%.
Cùng với đó, tín dụng tăng trưởng gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai. Trong đó, dư nợ tín dụng cho vay lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 64,3%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 26,3% và lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua và trong 6 tháng đầu năm phản ánh hiệu quả cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, tiếp cận tốt các chương trình tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 phân tích thêm.
Trong đó, hoạt động tín dụng phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh mang đậm dấu ấn chính sách và góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng cho vay xây dựng nông thôn mới đối với các xã trên địa bàn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ. Đến cuối tháng 6/2025 ước dư nợ đạt gần 177 nghìn tỷ đồng, tăng 4,25% so với cuối năm và chiếm 30,7% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đồng Nai không chỉ hình thành nên các xã nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tại vùng nông thôn, mà còn là động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, gắn với phát triển du lịch dịch vụ; phát triển sản phẩm thương hiệu địa phương, sản phẩm OCOP có giá trị xuất khẩu cao, từ đó tiếp tục tạo điều kiện và thúc đẩy tăng trưởng ở mức độ cao hơn. Đây là chương trình tín dụng nhân văn và rất hiệu quả tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, cần tiếp tục phát huy, phát triển.
Kết quả tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm, cùng với những đổi mới đột phá về thể chế và việc thành lập tỉnh mới, sẽ là môi trường kinh tế xã hội thuận lợi để phát triển hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng: mở rộng và tăng trưởng nhằm đạt được mục tiêu định hướng đã đề ra, ông Lệnh cho hay.
5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Đồng Nai mới (Đồng Nai + Bình Phước) ước đạt 22,4 tỷ USD. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn dự ước đến cuối tháng 6 đạt 574 nghìn tỷ đồng.