Theo nhiều chuyên gia, các quốc gia Đông Nam Á cần đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi gian lận trên mạng.
Sự phát triển của nền kinh tế nền tảng, cùng với sự cấp bách của quá trình số hóa do đại dịch gây ra, đã giúp các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á tiến nhanh vào thời hiện đại.
Tính đến năm 2022, ASEAN đã có 460 triệu người dùng Internet, trong đó có 100 triệu người dùng mới tham gia chỉ trong 3 năm gần đây. Trong nhóm này, có khoảng 370 triệu người đã mua hàng trực tuyến.
Các nhóm dân cư trước đây ít tiếp cận dịch vụ ngân hàng nay đang dần sử dụng công nghệ để tiếp cận các dịch vụ tài chính và nhiều dịch vụ khác dựa trên ứng dụng và nền tảng. Theo ước tính của công ty phân tích thị trường Euromonitor, đến năm 2025, có thể có tới 138 tỷ USD sẽ chảy qua các ví điện tử trong khu vực.
Đây là thông tin tích cực cho tài chính toàn diện, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi gần một nửa số người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng hoặc không có đủ quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính.
Sự nhảy vọt này rất thú vị nhưng lại diễn ra vào thời điểm phức tạp trong quá trình phát triển công nghệ. Sự phát triển của AI, đặc biệt là AI tạo sinh, đã góp phần làm gia tăng thêm mối đe dọa gian lận đối với nhóm người mới bắt đầu sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Khi tội phạm bắt đầu sử dụng AI, các tổ chức trong hệ thống tài chính cũng phải triển khai công nghệ này để ngăn chặn chúng.
Một cách thức phổ biến là "lừa đảo có chủ đích", trong đó nạn nhân được gửi email có vẻ xác thực chứa các liên kết có thể kích hoạt phần mềm độc hại nếu người dùng bấm vào. Một cách thức khác là gian lận thanh toán, trong đó kẻ lừa đảo mạo danh một người đáng tin cậy để thuyết phục người dùng chuyển tiền.
AI tạo sinh giúp kẻ gian xóa đi những dấu hiệu sơ hở có thể để lộ cách thức lừa đảo, đồng thời gia tăng đáng kể quy mô các cuộc tấn công. Những chiêu trò lừa đảo này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Theo công ty an ninh mạng Darktrace, với lợi ích của AI, khối lượng các cuộc tấn công tinh vi bằng email đã tăng 135% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.
Tội phạm mạng đã là một vấn đề cấp bách ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo IBM, khu vực này đã đứng đầu toàn cầu khi chiếm 31% tổng số sự cố mạng vào năm 2022. Trong cuộc khảo sát của Forrester Research vào năm ngoái, 3/4 chủ doanh nghiệp đến từ các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á cho biết họ đã bị ảnh hưởng bởi gian lận mạng trong năm 2022.
Đánh giá về vấn đề này, ông Safdar Khan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Mastercard cho rằng, điều cần thiết là mọi người tham gia vào nền kinh tế số phải đóng góp vào việc chống gian lận.
Đối với các tổ chức lớn, bao gồm các công ty thanh toán lớn và các tổ chức tài chính, điều này đồng nghĩa với việc phát triển và áp dụng những công cụ tiên tiến nhất, bao gồm các giải pháp dựa trên AI, để đối phó với tội phạm gian lận ở cấp độ tương đương hoặc cao hơn.
Chuyên gia này cho biết, vào năm ngoái, các mô hình AI đã giúp Mastercard bảo vệ hơn 126 tỷ giao dịch trên mạng lưới toàn cầu bằng cách sử dụng hàng tỷ điểm dữ liệu để phân tích những hành vi như cách người dùng cầm điện thoại và thao tác trên bàn phím của họ, cũng như cho phép phân biệt tương tác thực sự của con người với các thao tác dựa trên Bot. Điều này đã ngăn chặn thiệt hại do gian lận ước tính hơn 35 tỷ USD trong ba năm qua.
Các hệ thống phát hiện xâm nhập mạng hiện có thể chủ động giám sát và xác định hành vi đáng ngờ bằng cách sử dụng máy học. AI đang được khai thác để phát hiện các video deepfake với độ chính xác gần 100% bằng cách phân tích chuyển động của các đặc điểm khuôn mặt và chất lượng âm thanh để tìm ra dấu hiệu lừa đảo.
"Những cách tiếp cận mới này không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo tính bảo mật và tính hợp lệ của các giao dịch. Thế giới đang hướng tới tương lai mà AI có thể đảm bảo độ tin cậy của các tương tác kỹ thuật số", ông Khan đánh giá.
Khi số lượng người tham gia nền kinh tế số của Đông Nam Á tăng vọt, sẽ có nhiều điểm có thể dễ bị tội phạm khai thác. Về lâu dài, những cuộc tấn công như vậy sẽ khiến những người bị ảnh hưởng không muốn sử dụng các dịch vụ số.
Các lỗ hổng ở mọi cấp độ của hệ sinh thái kỹ thuật số đòi hỏi một cách tiếp cận thống nhất để phòng thủ. Do đó, ngân hàng, chính phủ, các tập đoàn và mạng lưới thanh toán cần xây dựng và củng cố an ninh mạng bằng các công nghệ tiên tiến như AI.
Trên thực tế, các chính phủ ASEAN đã tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân về an ninh kỹ thuật số. Ví dụ, tại Trung tâm An ninh mạng ASEAN-Singapore, Cơ quan An ninh mạng Singapore đã hợp tác với các quốc gia thành viên khác của khối để thu hút các chuyên gia về các vấn đề an ninh mạng.