Ngay trong trung tâm TP Thái Bình, mấy chục năm qua con sông Đoan Túc được ví như "dòng sông chết" khi luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Điều đáng nói là mặc dù người dân nơi đây đã kiến nghị rất nhiều lần đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Gần 2.000 người dân thuộc tổ dân phố số 5,6,7,8 và 17 trên địa bàn phường Tiền Phong (TP. Thái Bình) vẫn hàng ngày phải “sống mòn” vì ô nhiễm của dòng sông Đoan Túc.
Gần 2.000 người dân khổ sở vì sông đen Đoan Túc
Bà Phạm Thị Hải – Tổ 12, phường Tiền Phong (TP Thái Bình) cho biết, năm 2015 khi dự án kè sông Đoan Túc hoàn thành cũng là lúc người dân chúng tôi phải sống trong vùng ô nhiễm trầm trọng do nước thải có hóa chất từ các nhà máy, doanh nghiệp không được xử lý, thải trực tiếp ra sông Đoan Túc. Sau 4 lần gửi đơn kiến nghị và yêu cầu đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, cuối cùng UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Cảnh sát môi trường, Sở TNMT truy tìm các công ty, doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra sông Đoan Túc. Tuy nhiên, đến nay việc xả thải ra sông Đoan Túc vẫn tiếp diễn, không có chuyển biến gì. Đoan Túc đã biến thành dòng sông chết với không biết bao nhiêu là hóa chất và rác thải.
Chia sẻ với báo chí trong tâm trạng bức xúc, bà Vũ Thị Luyến – Tổ 5 phường Tiền Phòng cho biết, nhiều năm qua người dân sống xung quanh sông Đoan Túc không dám mở cửa. Trước cửa nhà nào cũng có một tấm bạt hoặc lưới đen để che nhưng cũng không ăn thua, mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc không thể chịu nổi.
Không chỉ có từ sông Đoan Túc mà nhà máy xử lý rác của Công ty CP môi trường và công trình đô thị Thái Bình gần đó cũng liên tục bốc mùi nồng nặc. Nhiều bữa cơm gia đình không ngon, nhiều giấc ngủ bị ảnh hưởng – bà Luyến cho biết thêm.
Ghi nhận thực tế ngày 11/4, bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy nước sông Đoan Túc đặc sánh và có màu đen kịt với từng mảng rác thải nổi lềnh bềnh trên sông. Đi qua khu vực này là một mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, rất khó chịu. Dọc bên bờ sông, nhà nào cũng đóng kín cửa để ngăn mùi bay vào nhà.
Tại nhà máy xử lý rác thải, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh 2 ống khói cao đang xả khói nghi ngút, một “núi rác” khổng lồ 15 năm qua chưa được xử lý. Nước rỉ rác đen ngòm chảy ra xung quanh, từ các nhánh đổ thẳng vào sông Đoan Túc, sau đó chảy ra sông Trà Lý. Tới nhà máy vào hôm trời mưa nhưng mùi hôi thối từ rác, từ nước rỉ rác vẫn cứ nồng nặc khiến chúng tôi choáng váng và phải dời đi ngay sau đó. Điều đó đủ hiểu những người dân sống gần khu vực này phải khổ sở như thế nào.
Khó xác định nguồn ô nhiễm?
Trong quá trình xác minh thông tin kiến nghị của các hộ dân, chúng tôi được người dân cho biết rằng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường cho sông Đoan Túc là do một số nhà máy, doanh nghiệp trong khu công nghiệp thải trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông. Trong đó có nhà máy sản xuất bia Đại Việt của tập đoàn Hương Sen, Công ty dệt nhuộm xuất khẩu Thăng Long, Công ty dệ nhuộm Thành Công, nhà máy xử lý rác của Công ty CP môi trường và công trình đô thị thái Bình, Công ty xi măng Thái Bình, nhà máy cao su sao vàng…
Theo ông Phùng Minh Tâm – PGĐ sở TNMT Thái Bình, phản ánh của người dân phường Tiền Phong về tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc là có cơ sở. Hiện tại, dòng sông đang bị ô nhiễm bởi nước thải chưa qua xử lý từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của các khu dân cư phường Tiền Phong, Phú Xuân. Đồng thời, theo khảo sát hiện trạng thì sông Đoan Túc đang bị bồi lắng bùn đất và eo hẹp dòng chạy. Do đó, mặc dù cống Nhân Thanh được chỉ đạo vận hành thường xuyên nhưng tình trạng ô nhiễm nước sông vẫn xuất hiện liên tục, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Theo lãnh đạo Sở TNMT Thái Bình, nước thải của các nhà máy trên địa bàn phường Tiền Phong được đấu nối với hệ thống nước thải sinh hoạt thành phố. Chính vì vậy rất khó phát hiện nguồn ô nhiễm.
Có thể bạn quan tâm
10:38, 30/09/2019
11:01, 12/09/2019
04:50, 09/09/2019
Bà Đào Thị Hà – phường Tiền Phong cho biết, chính quyền nói với chúng tôi là khó phát hiện nguồn ô nhiễm, nói chúng tôi cứ tìm được điểm xả thải thì sẽ xử lý. Nhưng khi chúng tôi tìm được cống xả trước CCN Phong Phú, thông báo cho lãnh đạo phường thì lãnh đạo phường chỉ đến ngó qua rồi đi về, không đưa ra bất kỳ một biện pháp xử lý nào.
"Chúng tôi còn biết được nguồn ô nhiễm không lý nào chính quyền, các cơ quan chức năng lại không biết. Thật vô lý!" – bà Hà bức xúc.
Trước những bức xúc của người dân, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu UBND TP khẩn trương đầu tư hệ thống thu gom, đấu nối toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp trong CCN Phong Phú vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Nguyễn Đức Cảnh; Rà soát toàn bộ cửa xả nước thải sinh hoạt dân cư ra sông Đoan Túc; Lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải, truyền số liệu tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường…
Tuy nhiên, sự ô nhiễm của con sông này vẫn hàng ngày, hàng giờ “ám ảnh” người dân nơi đây.