Đồng Tháp sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế bền vững theo mô hình “nền kinh tế tuần hoàn và đô thị thông minh” dựa trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng nông nghiệp thông minh…
Đó là chia sẻ của ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp với Diễn đàn Doanh nghiệp về tình hình phát triển kinh tế địa phương trong nhiệm kỳ qua và hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI.
Theo ông Lê Minh Hoan, nhìn lại chặng đường phát triển nhiệm kỳ 2015- 2020 vừa qua theo đánh giá của Bí thư Hoan, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ X đạt kết quả cao, đời sống nhân dân được nâng lên, công tác xây dựng Đảng được chú trọng, hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trong đó, một số lĩnh vực đột phá, trở thành động lực cho một số lĩnh vực khác, tạo kinh nghiệm cho những năm sau, mở ra giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là những thế mạnh của Đồng Tháp vốn dĩ lĩnh vực nông nghiệp hiện đang phát triển nhanh và toàn diện với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,6%.
Cũng theo ông Hoan, Đồng Tháp hiện có nhiều phương thức sản xuất theo hướng "Hợp tác - Liên kết - Thị trường" được hình thành, và trở thành nhu cầu tất yếu trong xu hướng sản xuất mới. Ngoài ra, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch áp dụng mô hình “nền kinh tế tuần hoàn” để mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, tạo nền tảng cơ bản thích ứng với biến đổi khí hậu. Giá trị chuỗi các ngành hàng chủ lực được nâng cao, các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ngày càng lan toả; thu hút gần 50 dự án đầu tư, với hơn 5.300 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, mô hình Hội quán được hình thành và phát triển, tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, góp phần tạo nên bức tranh nông nghiệp toàn diện cho Đồng Tháp. Hiện đã có 95 Hội quán được thành lập ở 12 huyện, thị xã, thành phố, phát huy tinh thần liên kết, gắn bó giữa các thành viên, tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng thích ứng với thị trường và đã có 19 hợp tác xã (HTX) được thành lập từ Hội quán, giai đoạn 2016 - 2020, thành lập mới 78 HTX, nâng tổng số toàn tỉnh là 220 HTX.
Đặc biệt, hiện nay hoạt động khởi nghiệp sáng tạo được triển khai đồng bộ, có nhiều kết quả tích cực, tạo nên tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Đồng Tháp hiện có 18 nhãn hiệu nông sản đặc thù của Tỉnh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, các sản phẩm mới có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến tại các doanh nghiệp, có trên 150 sản phẩm khởi nghiệp được thị trường chấp nhận - Bí thư Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Liên quan đến những vấn đề thu hút nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Tấn Lực - Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho biết: Hiện nay, người dân đã ý thức hơn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đồng lòng với chủ trương của Huyện trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, các thương hiệu “Nhãn” Châu Thành và các sản phẩm đặc trưng khác đã có chỗ đứng trên thị trường, đủ sức cạnh tranh ở những thị trường khó tính như như (Mỹ, Trung Quốc…).
Vì vậy, để ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua ông Lực chia sẻ: Nói đến nông nghiệp công nghệ cao phải nhắc đến mô hình Hội quán nông dân, Canh Tân Hội quán (Hội quán đầu tiên của Tỉnh). Và tính đến nay, Châu Thành đã thành lập thêm được 12 Hội quán, trong đó có 6 Hội quán đã phát triển thành Hợp Tác xã.
Thời gian qua, Hội quán đã kêu gọi hội viên, người nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, canh tác để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Hội quán đã làm tốt vai trò liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản; đưa sản xuất, canh tác nông nghiệp của nông dân đến gần với với thị trường hơn.
Ông Lực còn cho biết thêm, nhiều dự án đầu tư hạ tầng được Trung ương triển khai thực hiện cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cùng với nhiều dự án đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối, lưu thông hàng hoá và tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Do dó, trong nhiệm kỳ tới, Huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn với sơ chế, bảo quản, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiếp tục quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển thêm 01 cụm công nghiệp và 01 khu công nghiệp công nghệ cao.
Dự kiến KCN công nghệ cao theo quy hoạch là 250 ha, trước mắt quy hoạch 100 ha (ở xã Hòa Tân), kết nối phát triển kinh tế vùng Vĩnh Long, Cần Thơ và hưởng lợi từ đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ - Bí thư Châu thành cho biết.
Liên quan đến phát triển đô thông minh theo hướng không gian xanh, ông Phan Văn Thương - Bí thư Thành ủy Cao Lãnh, cho hay: Điểm nổi bật là Thành phố đạt đô thị loại II và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Kinh tế Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn của một số ngành chủ yếu tăng bình quân 6,57%/năm, công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát huy vai trò động lực, Cao Lãnh chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa giản đơn sang nông nghiệp đô thị thông minh.
Do đó, định hướng nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành một số tiêu chí để hướng đến đô thị loại I vào năm 2030, phát triển Cao Lãnh trở thành trung tâm cung cấp thông tin, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến của Tỉnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội, chuẩn bị các điều kiện tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, từng bước xây dựng thành phố Cao Lãnh theo mô hình Thành phố, đô thị thông minh, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, từng bước xây dựng thành phố Cao Lãnh “Năng động - Văn minh - An toàn - Thân thiện”.
Cụ thể, sẽ phát triển các khu thương mại - dịch vụ mới, trong đó triển khai các dự án trong khu vực nội ô (khu đô thị mới Phường 3), khu đô thị giáo dục - du lịch (Phường 6, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây), khu đô thị công nghiệp - dịch vụ (Trần Quốc Toản, khu vực ven tuyến tránh Quốc Lộ 30), tiếp tục chỉnh trang các khu dân cư nội ô (khu dân cư phường Mỹ Phú, khu dân cư Phường 4 - Hòa An...) và phát triển các điểm khu dân cư, khu nghỉ dưỡng dọc tuyến đường ven Sông Tiền.
Song song đó, Cao Lãnh tập trung các giải pháp xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nâng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn, tiến đến tổ chức triển khai và thực hiện Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu - Bí thư Cao Lãnh nhấn mạnh.
Đồng Tháp tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 6,44%. Ước tính đến cuối năm 2020, giá trị GRDP ước đạt hơn 87.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2010 - 2015, GRDP bình quân đầu người đạt 54,5 triệu đồng (tương đương 2.292 USD), tăng 1,6 lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng qua các năm, đến cuối năm 2020, ước đạt 8.500 tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,7% (năm 2015 là 17,4%), thương mại - dịch vụ chiếm 46,4% (năm 2015 là 42,7%), nông - lâm - thuỷ sản chiếm 33,9% (năm 2015 là 39,9%). Tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội trong 5 năm (2015 - 2020) ước đạt hơn 83.500 tỷ đồng, chiếm 22,3% GRDP, tăng 71% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015. |