Do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, dù Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng VN-Index vẫn giảm hơn 10% chỉ trong 4 phiên vừa qua.
Chứng khoán phố Wall tiếp tục ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sự gián đoạn kinh tế do virus COVID-19 có thể kéo dài đến tháng 8/2020 và nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, các công cụ chính sách mà FED vừa đưa ra vẫn chưa giải quyết được các nhu cầu hiện tại của thị trường, nên tâm lý nhà đầu tư vẫn trở nên bi quan hơn.
Chỉ báo tâm lý sợ hãi VIX đã tiến về mức đỉnh năm 2008 – Thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ còn lao dốc kéo dài.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tác động của dịch COVID-19 khiến VN-Index đã giảm hơn 10% chỉ trong 4 phiên vừa qua, còn nếu tính từ đầu năm, mức giảm là hơn 22%. Trong bối cảnh thị trường giảm sâu, mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu đã giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là các cổ phiếu bluechips. Điều này đã kích thích dòng tiền bắt đáy mạnh dạn mua vào. Tuy nhiên, đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/3, với 221 mã tăng và 154 mã giảm, VN-Index giảm 0,2% về 745,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 287,27 triệu đơn vị, giá trị 4.378,29 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 16/3.
TTCK sụt giảm trong phiên 17/3, ngoài yếu tố tâm lý, có tác nhân chính là việc giảm mạnh của nhóm cổ phiếu Vingroup và SAB. Cụ thể, VRE giảm 6,8% xuống sát mức giá sàn 22.100 đồng, còn VIC giảm 4,3% xuống 88.500 đồng, VHM giảm 2,7% xuống 69.900 đồng, trong khi SAB giảm 5,9% xuống 141.100 đồng. Mức giảm mạnh của 4 cổ phiếu vốn hóa lớn này khiến đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng nên vô nghĩa...
Trong khi đó, đóng cửa, với 81 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 1,1 điểm (+1,1%) lên 100,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 47,56 triệu đơn vị, giá trị 511,81 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên 16/3.
Có thể bạn quan tâm
11:22, 10/03/2020
05:20, 10/03/2020
09:17, 09/03/2020
04:00, 04/03/2020
09:51, 02/03/2020
Theo Yuanta Việt Nam, dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu Penny (vốn hóa nhỏ) và phân hóa khá rõ nét so với nhóm cổ phiếu Midcaps và cổ phiếu Largecaps (vốn hóa vừa và nhỏ). Nhìn chung, tính chất đầu cơ trong giai đoạn này tỏ ra khá hiệu quả khi rủi ro thị trường vẫn cao, nhóm cổ phiếu dưới mệnh giá có mức Stock Rating cao như FIT, TIG, HID, HHS, SAM, ART,...
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu phân tích của Yuanta Việt Nam cho rằng trong ngắn hạn, VN-Index vẫn có thể sẽ hồi phục về mức 780 điểm. Đồng thời, nhóm chỉ báo tâm lý vẫn tiếp tục giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra bi quan thái quá và kịch bản xác lập vùng đáy quanh vùng giá hiện tại vẫn được đánh giá cao trong một vài phiên tới.
"Thị trường vẫn đang trong biến động mạnh và đạt ở mức cực đại cho nên rủi ro ngắn hạn vẫn cao nhưng đã có dấu hiệu giảm. Do đó, thị trường vẫn còn sớm để xác lập đáy ngắn hạn khi xu hướng ngắn hạn của hai chỉ số chính vẫn duy trì ở mức giảm với mức kháng cự ở mức 795,05 điểm đối với chỉ số VN-Index và 107,09 điểm đối với chỉ số HNX-Index", ông Minh cho biết và khuyến nghị, các nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế bán tháo ở nhịp giảm. Đồng thời, vị thế đã tham gia bắt đáy trước đó vẫn có thể tiếp tục nắm giữ. Tỷ trọng khuyến nghị ngắn hạn ở khoảng 9% cổ phiếu/91% tiền.