Nhiều thương vụ đầu tư vào Việt Nam đã được ký kết trong chuyến thăm Singapore và tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Chuyến thăm chính thức Singapore và tham dự Hội nghị ASEAN của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuần trước được đánh giá là thành công trên cả phương diện ngoại giao và kinh tế. Đặc biệt, ở lĩnh vực kinh tế dường như đã một lần nữa khẳng định những cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN.
Do đó, nhiều dự án có giá trị hàng tỷ USD đã được ký kết ngay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quan chức hai nước. Đơn cử như Dự án Laguna Lăng Cô của nhà đầu tư Banyan Tree.
Dù nhiều lần nhà đầu tư này đề nghị nâng vốn đầu tư từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa nhận được cái gật đầu của Chính phủ Việt Nam. Nhưng cuối cùng, dự án đã được thông qua và đích thân ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao cho ông Ho Kwon Ping, Chủ tịch Banyan Tree trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngoài ra, còn nhiều dự án khác như: tập đoàn Sembcorp đầu tư dự án điện khí, công suất 750 MW tại Quảng Ngãi với quy mô trên 2 tỷ USD, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2024.
Nhiều nhà đầu tư khác như Grab, tập đoàn bất động sản Soibuild đầu tư Dự án Khu đô thị I-Town, vốn đầu tư 350 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất công nghệ cấu kiện đúc sẵn xây dựng cho căn hộ chung cư trị giá khoảng 64 triệu USD… cũng cam kết sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn tới đây.
Không chỉ có các nhà đầu tư Singapore, mà nhiều nhà đầu tư ASEAN khác chắc chắn cũng sẽ có những động thái mới khi Hiệp định Đầu tư ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc vừa được Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngay trước thềm chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Khi nhận định về vai trò của Hiệp định đối với dòng vốn FDI trong khu vực, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez cho rằng, Hiệp định sẽ tăng cường dòng vốn FDI, đồng thời cung cấp cơ hội việc làm cho người dân, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp 2 bên, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Rõ ràng, những động thái trên đang cho thấy một điều rằng nhà đầu tư ASEAN đang đầu tư trở lại Việt Nam sau một thời gian im ắng và chịu “lép vế” trước các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, hiện đã có 8/11 nước ASEAN (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia) đầu tư vào Việt Nam với 2.629 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký đạt 54,6 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng số dự án và 21,7% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước. Lĩnh vực thu hút được nhiều dự án của nhà đầu tư ASEAN là công nghiệp chế biến, chế tạo (1.009 dự án và 22,2 tỷ USD, chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng vốn đầu tư).
Với những động thái trên, chắc chắn dòng vốn FDI từ ASEAN vào Việt Nam sẽ bứt phá trong thời gian tới. Đặc biệt, với một tinh thần cầu thị và thẳng thắn của Thủ tướng khi ông nói rằng: “Với một tinh thần cởi mở, chúng tôi mong muốn lắng nghe những ý kiến của các bạn. Chúng tôi mong muốn các bạn trao đổi, các bạn hài lòng điều gì và chưa hài lòng điều gì?”. Điều này sẽ tạo một niềm tin, động lực lớn để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN nói riêng có những kế hoạch mới để mở rộng và đầu tư mới vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.