Thị trường M&A tại Việt Nam sẽ có nhiều đột phá nhờ các nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tác động của các FTA thế hệ mới.
M&A - kênh đầu tư quan trọng thời gian tới
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch đạt tổng giá trị khoảng 55 tỷ USD, thị trường M&A tại Việt Nam tiếp tục đạt 5,43 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2019 và dự báo đạt gần 7,6 tỷ USD cả năm 2019.
Nguyên nhân M&A tăng trưởng là do các nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tốc độ tăng trưởng GDP những năm gần đây được duy trì ở mức cao, từ 6-7%/năm; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp… Đồng thời các FTA thế hệ mới cũng tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá.
Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2019, ngoài việc thu hút đầu tư có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao… thì chủ trương của Chính phủ sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới như đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức M&A.
Đặc biệt, theo Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, các quy định pháp luật tới đây sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng để nhà đầu tư lựa chọn hình thức M&A một cách tự nhiên, tạo sự bứt phá cho thị trường, chứ không phải vì không có lựa chọn nào khác mới phải thực hiện M&A. Tất cả những yếu tố tích cực trên đang đưa M&A trở thành kênh thu hút đầu tư quan trọng trong thời gian tới.
Hút dòng vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc
Theo dự báo, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước một lực hút lớn cho dòng vốn trên toàn cầu, trong đó dẫn đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Tamotsu Majima - Giám đốc cấp cao, Recof Nhật Bản cho rằng, làn sóng đầu tư các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam là ảnh hưởng từ các FTA mà Việt Nam ký kết.
Các thống kê cho thấy, trong 4 năm gần đây, số lượng giao dịch M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đạt mức kỷ lục. Tính đến tháng 7/2019, đã có khoảng 21 giao dịch. Dự báo, đến cuối năm nay, có thể đạt con số khoảng hơn 30 giao dịch M&A. “Các công ty Nhật ngày càng quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và dịch vụ”, ông Tamotsu Majima thông tin.
Có thể bạn quan tâm
15:34, 23/07/2019
13:00, 23/07/2019
11:00, 23/07/2019
Với Hàn Quốc, ông Andrew D. Kim - Giám đốc Phát triển Trung tâm M&A toàn cầu, Cơ quan Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết, hoạt động M&A tại Việt Nam mà doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm bao gồm tài chính, bất động sản và cả các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, công nghiệp. Và không chỉ là các tập đoàn lớn, mà ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc cũng rất quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực này ở Việt Nam.
Tuy nhiên, để hoạt động M&A có sự bứt phá, các chuyên gia cho rằng, phải có những thương vụ lớn để thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, như trường hợp Sabeco, Vinamilk, Vinaconex… Đồng thời Nhà nước cần quyết tâm tháo gỡ các rào cản pháp lý và áp dụng chính sách nới lỏng để hỗ trợ hoạt động M&A trong thời gian tới như nới "room" vốn ngoại; giảm số lượng các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; xử lý những vướng mắc về tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp được quy định trong Luật Đầu tư.
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ thêm, Luật Chứng khoán đang được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là gắn IPO với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp thời gian qua IPO 1-2 năm vẫn chưa niêm yết. Việc cả Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung sẽ giúp thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam phát triển, bứt phá.