Thị trường M&A: Chờ những "cú hích" lớn

Nha Trang 23/07/2019 13:00

Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới.

Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới, các sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư sẽ tạo thêm “cú hích” cho thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam.

Giá trị M&A 2019 có thể cán mốc 6,7 tỷ USD

Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%.

Đó là thông tin được Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2019) đưa ra tại buổi họp báo sáng 23/7 dưới sự bảo trợ của Bộ KH&ĐT.

Họp báo giới thiệu Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập 2019.

Họp báo giới thiệu Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập 2019.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD). Còn theo một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2,64 tỷ USD.

Theo Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, cập nhật mới nhất ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Con số này đã tính cả thuơng vụ KEB HANA Bank chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần ngân hàng BIDV được công bố ngày hôm qua (22/7). Đây là thương vụ M&A có yếu tổ nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistic, giáo dục…

Nếu như 2017 là năm của Thái Lan, thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.

Tham gia vào các thương vụ này nổi bật là các nhà đầu tư Hàn Quốc (SK Group, Hanwha), Vingroup (tổng giá trị thương vụ liên quan đến Vingroup, cả vai trò bên mua và vai trò bên bán lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn 7/2018 – 7/2019). Có 2 thương vụ thoái vốn đáng chú ý là An Quý Hưng – Vinaconex, thương vụ lớn nhất trong diện nhà nước thoái vốn và Saigon Coop – Auchan, thương vụ một DN Việt Nam mua lại chuỗi siêu thị do nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và rút khỏi thị trường Việt Nam.

Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mốc 6 – 6,5 tỷ USD, tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động M&A gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ... Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.

“Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU vừa được kí kết sẽ tạo ra sức hút mới cho đầu tư nước ngoài. Cùng với các Hiệp định thương mại khác sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá”, Thứ trưởng Võ Thành Thống nhận định.

Chờ những thương vụ lớn

Số lượng nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thương vụ M&A, thực hiện các vụ góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam ngày càng nhiều. 

Nếu tính dân số sẽ sớm đạt mốc 100 triệu dân trong thời gian ngắn, tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thị trường Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư đánh giá là thị trường hấp dẫn.

Có thể bạn quan tâm

  • KSB và chiến lược M&A mới

    KSB và chiến lược M&A mới

    11:30, 10/07/2019

  • Ngành dược lại

    Ngành dược lại "dậy sóng" M&A?

    01:48, 21/06/2019

  • Sức ép từ làn sóng M&A ngành ôtô

    Sức ép từ làn sóng M&A ngành ôtô

    11:06, 07/06/2019

  • Ngành dược Việt Nam lại đón sóng M&A

    Ngành dược Việt Nam lại đón sóng M&A

    13:52, 04/05/2019

Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động này trong giai đoạn tới.

“Chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư từ châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Thị trường cũng đang chứng kiến xu hướng đầu tư từ Hồng Kông tại một số ngành, lĩnh vực. Giai đoạn tới có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF nhận định.

Thực tế, việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ thực sự nổi lên mạnh mẽ sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Lý do là hành lang pháp lý đối với việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đơn giản và minh bạch.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam, mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước. Thủ tục đơn giản, thuận tiện khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, coi đây là giải pháp đầu tư đơn giản nhưng hiệu quả.

Tới đây, khi Luật Đầu tư được sửa đổi, quy định pháp luật thậm chí còn đơn giản, thông thoáng hơn nữa, tạo thêm “cú hích” cho hoạt động góp vốn, mua cổ phần, M&A phát triển. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, cũng sẽ bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.

Một cú hích quan trọng khác, đó là trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam đã xác định, sẽ “mở rộng phương thức M&A”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thị trường M&A: Chờ những "cú hích" lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO