Đang trong đà phục hồi kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) có nguy cơ gặp khó khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại ở nhiều quốc gia.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2020, DRC đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể với doanh thu thuần đạt 946,7 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng quý, nhưng giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế (LNST) sau cổ đông thiểu số (CĐTS), giảm 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần và LNST sau CĐTS của DRC đạt lần lượt 2.538,6 tỷ đồng, giảm 12,2% và 142,3 tỷ đồng, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, DRC đã hoàn thành lần lượt 58,2% và 63,5% kế hoạch doanh thu thuần/ LNST cả năm 2020.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, động lực tăng trưởng chính của DRC đến từ hoạt động xuất khẩu phục hồi tốt, đặc biệt là xuất khẩu lốp radial tăng mạnh 46,2% đạt 104.542 chiếc, chiếm 76,6% tổng lượng tiêu thụ lốp radial; trong khi xuất khẩu lốp bias tăng mạnh lên 43.829 chiếc, chiếm 27,3% tổng lượng tiêu thụ lốp bias.
Như vậy trong quý 3/2020, sản lượng tiêu thụ lốp radial (lốp toàn thép) của DRC phục hồi 39,6% lên 136.563 chiếc, tương đương với mức trước COVID-19 xảy ra, đưa doanh thu sản phẩm này tăng lên 482,9 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ lốp bias (lốp mành chéo) tăng trưởng vững chắc lên 160.410 chiếc, với doanh thu đạt 68,3 tỷ đồng, chiếm 28,3% doanh thu thuần quý 3.
Mặc dù gần đây, Mỹ công bố áp thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với lốp xe du lịch và tải nhẹ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam (Việc áp thuế lên các sản phẩm săm lốp nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế dao động từ 6,23-10,08%, nhưng không có tác động đáng kể đối với DRC, bởi công ty không xuất khẩu lốp xe du lịch và tải nhẹ sang Mỹ.
Với chi phí nguyên vật liệu đầu vào thuận lợi, DRC đã chia sẻ một phần lợi ích chi phí thấp cho khách hàng thông qua việc cắt giảm giá bán, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn để thúc đẩy sản lượng bán hàng trong môi trường tiêu thụ giảm tốc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngoài ra, chi phí khấu hao của DRC giảm mạnh. Theo Ban lãnh đạo công ty, máy móc của cơ sở sản xuất lốp radial giai đoạn 1 của DRC đã hoàn tất khấu hao vào cuối tháng 8 năm nay. Do đó, chi phí khấu hao trong quý 3/2020 của DRC giảm mạnh 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 50,1 tỷ đồng. Như vậy, DRC sẽ tiết kiệm được 13,2 tỷ đồng/tháng kể từ tháng 9 năm nay trở đi.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động vẫn ở mức cao trong quý 3, chiếm 6,1% doanh thu thuần, cao hơn nhiều so với 4,7% trong quý 3/2019, chủ yếu là do tăng chi phí tiếp thị và khuyến mại.
Điểm nhấn về xuất khẩu tạo ra lợi thế cho DRC trong thời gian qua, nhưng tại chính thị trường Việt Nam, DRC lại phải đối mặt với thách thức cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất lốp Trung Quốc đã chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam. Khi các nhà máy đặt ngoài Trung Quốc được hoành thành, giá sản phẩm của DRC tại các thị trường xuất khẩu của công ty sẽ chịu nhiều áp lực hơn.
Ngoài ra, cũng không ngoại trừ giá cao su tự nhiên sẽ tiếp tục tăng, tác động đến nguyên liệu đầu vào sản xuất của DRC, trong khi lượng tích trữ cho kỳ sản xuất sắp tới của DRC sẽ đến lúc cạn kiệt.
Đáng chú ý, những ngày qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nhiều quốc gia có diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ vẫn tăng mạnh, trung bình khoảng trên 200.000 trường hợp/ngày. Trong những quý trước, DRC đã bị sụt giảm nghiêm trọng doanh thu tiêu thụ do dịch bệnh, xuất khẩu giảm mạnh, các doanh nghiệp lắp ráp dừng lấy hàng, các nhà phân phối chỉ hoạt động cầm chừng nên sản lượng bán hàng giảm mạnh.
Cho đến nay, hàng loạt các nước trên thế giới vẫn tuyên bố đóng cửa và giảm các hoạt động giao thương, thậm chí có nước đã ngừng giao dịch hàng hóa, có nguy cơ làm cho sản lượng tiêu thụ cũng như như kim ngạch xuất khẩu của DRC giảm trầm trọng trong quý 4/2020.
Cũng do đại dịch, giá trị tiền tệ bị ảnh hưởng làm cho các nhà nhập khẩu gặp khó khăn và rất hoang mang, DRC có khả năng phải tiếp tục cân đối giảm giá bán để duy trì quan hệ giao thương với các bạn hàng trước đó.
Tất cả những khó khăn nói trên sẽ là thách thức vô cùng lớn đối với DRC trong quý 4/2020 cũng như năm 2021 nếu đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán Yuanta, mức Stock Rating của DRC đạt 79 điểm và sức mạnh giá chỉ đạt 68 điểm, không được đánh giá cao trong xếp hạn tăng trưởng tích cực đối với cổ phiếu này. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/12, DRC đóng cửa ở mức 21.200đ/cp, giảm 1,4% và có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm