Dự án cao tốc Bắc - Nam: “Cửa” nào cho nhà đầu tư nội?

Trần Văn Tường 10/05/2019 11:30

Cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông đang được Bộ GTVT gấp rút triển khai theo hướng siết chặt về năng lực tài chính của các nhà thầu. Tuy vậy, đây lại được xem là cửa hẹp cho các nhà đầu tư nội.

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các Ban QLDA: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP.

p/Tổng mức đầu tư 8 đoạn tuyến PPP cao tốc Bắc - Nam...p/Biểu đồ: Văn Chương

Tổng mức đầu tư 8 đoạn tuyến PPP cao tốc Bắc - Nam... Biểu đồ: Văn Chương

Nhiều lo ngại từ điều kiện sơ tuyển

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: trên cơ sở hồ sơ mời sơ tuyển các Ban QLDA trình, đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Để đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án, Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển và các tài liệu liên quan, ban QLDA chịu trách nhiệm về tính chính xác, thống nhất nội dung giữa hồ sơ tiếng Việt và hồ sơ tiếng Anh.

Các Ban QLDA thực hiện đăng tải thông báo mời sơ tuyển tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần trước 10/5/2019.

Trong hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT xây dựng mức điểm năng lực của nhà đầu tư về tài chính chiếm tới 60% tổng số điểm (tương ứng 60 điểm), năng lực về kinh nghiệm chiếm 30% tổng số điểm (tương ứng 30 điểm), phương pháp triển khai chỉ chiếm 10% tổng số điểm (10 điểm). Trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của nhà đầu tư liên danh sẽ là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh.

Quy định này nhằm loại những nhà đầu tư năng lực tài chính yếu. Thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế không hẳn vậy.

Khác với các dự án sử dụng vốn ngân sách do cơ quan có chuyên môn hoặc ban quản lý dự án đại diện Nhà nước làm chủ đầu tư, quản lý chặt chẽ trình tự thực hiện theo quy định, giám sát trực tiếp tổ chức tư vấn thiết kế và thi công. Ở dự án BOT, cơ quan Nhà nước chỉ giữ vai trò tiếp nhận các thông báo về tình hình thực hiện, thi công, tiến độ, trở ngại cần giải quyết. Còn nhà đầu tư có quyền tự làm hoặc thuê đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, lập hồ sơ hoàn vốn, thu phí và có lợi nhuận... Một khi các đơn vị này do nhà đầu tư thuê và trả phí sẽ không loạt trừ khả năng có sự “móc ngoặc” để hợp thức hóa các thủ tục về nghiệm thu, khối lượng, làm phát sinh chi phí.

Nhiều chuyên gia không loại trừ, các dự án thực hiện theo hình thức BOT được hướng đến chỉ định thầu ngay từ đầu, tổ chức đấu thầu chỉ là hình thức để đưa vào các điều kiện ngặt nghèo nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư được hướng đến, dễ thấy trong các dự án giao thông.

Khó từ đâu?

Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Một dự án có quy mô lớn với chi phí lên đến hơn cả trăm tỷ đồng, tổ chức đấu thầu quốc tế, không chỉ giới chuyên gia mà người dân cũng quan tâm.

Tuy nhiên, liên quan đến chọn nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Bắc - Nam, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây: "Cái khó của 8 dự án BOT hiện nay là các nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định, còn các nhà đầu tư nước ngoài lại không mặn mà, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm...".

Phải chăng, nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực như lời ông thứ trưởng Bộ GTVT ?
Thực tế, doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hoàn toàn có khả năng làm đường cao tốc. Như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tổng chiều dài hơn 84km, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng do Công ty CP BOT Biên Cương làm chủ đầu tư.

Hay mới đây, với tổng vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng, dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư vừa được khởi công, và không ai có thể nghi ngờ năng lực của nhà đầu tư tư nhân này sau khi đã đầu tư thành công sân bay tư nhân đầu tiên của cả nước và nhiều dự án “khủng” khác.

Còn vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại không mặn mà, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm? Theo các chuyên gia, việc các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thì phải xem lại cơ chế, chính sách của Việt Nam. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính...

"Liệu chính sách của chúng ta đã đủ hấp dẫn, đủ hợp lý để các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tham gia chưa? Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thế nào, vì sao lại không ai muốn tham gia?", ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) đặt câu hỏi.

Vị đại biểu cho biết, thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài thường than phiền rất nhiều về cách thức quản lý, thủ tục phức tạp, tham nhũng, thiếu minh bạch; thường yêu cầu giá rẻ, trong khi các nước phát triển thường làm chất lượng, giá thành cao; tỷ giá chưa ổn định... Vậy những rào cản trên cần được nhìn nhận và khắc phục, để tạo cơ hội đồng đều cho các nhà đầu tư, nhà thầu trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án cao tốc Bắc - Nam: “Cửa” nào cho nhà đầu tư nội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO