Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo thông tin tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Với tư cách là Cơ quan có thẩm quyền của dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết tin vui:
“Khó khăn lớn nhất làm dự án này ì ạch kéo dài thờ gian qua là phương án tài chính nay đã được tháo gỡ. Mới đây doanh nghiệp dự án đã ký cam kết với UBND tỉnh đảm bảo tiến độ đến 31/12/2020 phải thông tuyến như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Tuấn nói.
Theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận-doanh nghiệp dự án: "dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó, vốn BOT 10.482 tỷ đồng,vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng. Sau thời gian nỗ lực đàm phán, 4 ngân hàng VietinBank, BIDV, Argibank, VPBank cam kết mức tài trợ tối thiểu cho dự án là 6.686 tỷ đồng chiếm 53%. Sau khi cộng phần vốn chủ sở hữu hơn 3.000 tỷ đồng, phần hạn mức còn thiếu hơn 1.000 tỷ đồng chúng tôi đưa ra kế hoạch huy động vốn từ cổ đông nhà đầu tư, nếu chưa đủ sẽ xin phép cơ quan có thẩm quyền phát hành trái phiếu doanh nghiệp đễ huy động vốn. Hôm nay Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng cho dự án đã về đến địa phương, trong đó, có hơn 1.445 tỷ đồng đã được giải ngân cho doanh nghiệp dự án. Như vậy sau thời gian bế tắc, nguồn vốn cho dự án đang được khơi thông, đây là điều kiện tiên quyết để dự án này tăng tốc”.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết, tháng 9/2019, địa phương đã hoàn tất công tác giải phóng và dự kiến đến tháng 12/2019 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho doanh nghiệp tổ chức thi công.
Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã gửi văn bản cho các ngân hàng, doanh nghiệp Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Theo đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án và các ngân hàng tham gia hợp đồng vốn sớm hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng tín dụng, đảm bảo tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý áp dụng mức phí và lộ trình tăng phí tuân thủ theo phương án tài chính đã duyệt, đảm bảo thời gian thu phí hoàn vốn không kéo dài quá 15 năm.
Cụ thể, mức phí năm cơ sở Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tương ứng với 5 nhóm xe là 2.100 – 3.000 – 3.700 – 6.000 – 8.400 đồng/xe/km. Lộ trình tăng phí 15%/3 năm trong suốt vòng đời dự án ( cứ 3 năm điều chỉnh tăng 15%, tức mỗi năm tăng 5%).
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km, đi qua thị xã Cai Lậy và các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và Tân Phước; điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TPHCM - Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè).
Giai đoạn I của dự án có quy mô bề rộng nền đường 17 m, 4 làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trên nút giao liên thông, 5 cầu vượt trực thông, 1 cầu trên tuyến tránh đường tỉnh 868 và 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè.
Dự án là một trong những trục đường trọng tâm của quốc gia nối TP HCM với 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Sau khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc này sẽ góp phần giảm ùn tắc trên Quốc lộ 1, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 25/11/2019
15:42, 12/12/2018
15:38, 20/02/2019
19:01, 20/02/2019
16:01, 23/07/2019
13:33, 27/09/2019
14:50, 02/10/2019
01:02, 01/11/2019
02:17, 26/11/2019