Nguy cơ “vỡ trận” BOT Trung Lương-Mỹ Thuận

Linh Nga 12/12/2018 15:42

Vướng mắc về lãi suất đã khiến Dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận rơi vào thế bế tắc.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tiến thoái lưỡng nan

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng. Theo hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), nhà đầu tư phải tự huy động vốn chủ sở hữu (1.542 tỉ đồng) và vốn vay từ các ngân hàng thương mại (8.126 tỉ đồng) để đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, do nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng vay tín dụng nên công trình dù khởi động đã lâu nhưng vẫn bị đình trệ.

Vào tháng 6/2018, liên danh 4 ngân hàng gồm Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn trị giá lên tới 6.850 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn một theo hình thức hợp đồng BOT. Song nguồn vốn này vẫn chưa đủ để Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Bộ GTVT tạo ra gia tốc đủ lớn để Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực sự chuyển động.

Đại diện Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư dự án) vừa mới cho báo chí biết, nếu thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành và hợp đồng BOT đã ký, nhà đầu tư sẽ không thu hồi được vốn. Trong trường hợp này, dự án có thể phải dừng.

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng xin tháo gỡ khó khăn của dự án, trong đó khó khăn lớn nhất là lãi suất cho vay. Theo quy định của Bộ Tài chính (tại Thông tư 75/2017 của Bộ Tài chính), lãi suất vốn vay dự án PPP không quá 1,5 lần mức bình quân lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ, tức khoảng 7,72%/năm.

Tuy nhiên, thực tế lãi suất trên thị trường cao hơn nhiều, ở mức 10,5%-11%. Như vậy, ở thời điểm hiện tại có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất thực tế đi vay và lãi suất tính toán theo quy định pháp luật khoảng 3%-4%/năm. Do đó, nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh mức lãi suất phù hợp để họ không phải bù lãi suất quá lớn (4%) khiến công trình không có khả năng thu hồi vốn, thậm chí làm nhà đầu tư thua lỗ rất lớn.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, rất khó để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện Dự án theo Hợp đồng BOT đã ký, do họ phải bù lãi suất quá lớn, khiến công trình không có khả năng thu hồi vốn, thậm chí làm nhà đầu thua lỗ rất lớn.

Trong cơ cấu tổng mức đầu tư Dự án, bên cạnh phần vốn chủ sở hữu trị giá 1.542 tỉ đồng, các nhà đầu tư phải huy động đủ 8.126 tỉ đồng từ vốn vay thương mại để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và thi công công trình. Chính vì thế, tính từ tháng 10/2018 đến nay, chỉ có một số đơn vị thi công cầm chừng, khối lượng thực hiện không đáng kể.

Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án.

Vướng mắc tiếp theo là về nguồn cung ứng vật liệu cát. Từ năm 2017, các địa phương thắt chặt quản lý khai thác cát nên dẫn đến khan hiếm vật liệu và tăng giá thành. Bộ GTVT đã có các văn bản gửi các địa phương trong khu vực đề nghị hỗ trợ tăng nguồn cung cát cho dự án nhưng hiện nay nguồn cung vẫn chưa đảm bảo yêu cầu lớn của dự án. Cụ thể, dự án cần khoảng 500.000 m3 cát/tháng để san lấp, đắp nền.

Như vậy, ngay cả khi chấp nhận buông tay do không huy động được vốn cho Dự án với các lý do bất khả kháng như trên, thiệt hại đối nhà đầu tư là rất lớn.

Cách nào để tháo gỡ?

Hiện, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án xử lý vướng mắc và phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện Dự án. 

Theo đó, phương án 1, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không chấp thuận điều chỉnh quy định về lãi suất vay, tiếp tục thực hiện Dự án theo Hợp đồng BOT đã ký. Trường hợp nhà đầu tư từ chối thực hiện hoặc tiếp tục chậm triển khai Dự án, Bộ GTVT sẽ thực hiện ngay quyền chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn và xử phạt Nhà đầu tư theo quy định.

Đối với phương án 2, Chính phủ sẽ tháo gỡ vướng mắc để Nhà đầu tư tiếp tục thực hiện Dự án và chỉ đạo Bộ GTVT điều chỉnh các điều khoản về lãi suất vay trong Hợp đồng BOT với lãi suất vay bằng trung bình lãi suất 3 ngân hàng thương mại lớn và chỉ áp dụng đối với phần khối lượng chưa thực hiện.

Trước các vấn đề trên, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc truyền đạt hai ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ GTVT đề xuất giải pháp về pháp lý để dự án được cập nhật lãi suất vay vốn theo quy định của Bộ Tài chính. Tiếp đó, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp được yêu cầu rà soát điều khoản chuyển tiếp theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định hướng dẫn để đề xuất áp dụng cho phù hợp với dự án và hợp đồng BOT đã ký.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguy cơ “vỡ trận” BOT Trung Lương-Mỹ Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO