Sau 17 năm từ ngày bắt đầu triển khai, dự án Đại học QGHN tại Hòa Lạc từng được kỳ vọng là điểm sáng về trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Khu CNC Hòa Lạc nhưng đến nay dự án vẫn chậm tiến độ, phần lớn diện tích đất quy hoạch cỏ dại um tùm và là nơi chăn thả trâu bò ưa thích của người dân địa phương.

 
Nhiều năm nay, cổng vào dự án Đại học QGHN tại Hòa Lạc vẫn trong tình trạng cỏ mọc um tùm
Nhiều năm nay, Đại học QGHN tại Hòa Lạc vẫn dang dở chưa thành hình

Nhiều năm nay, Đại học QGHN tại Hòa Lạc vẫn dang dở chưa thành hình

Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Hà Tây cũ) được khởi động từ năm 2003 khi tại Văn bản số 181/CP-KG, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Dự án ban đầu gồm 13 dự án thành phần, diện tích đất 1.000ha, tổng nhu cầu vốn đầu tư năm 2003 ước tính 7.230,8 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện từ năm 2003 – 2015. 

Bên trong dự án, các hạ tầng giao thông cơ bản đã hàon thành nhưng bị bỏ hoang nhièu năm qua

Bên trong dự án, các hạ tầng giao thông cơ bản đã hoàn thành nhưng bị bỏ hoang nhiều năm qua

Đến năm 2013, sau 10 năm triển khai dự án tiến độ rất chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược phát triển của ĐHQGHN, không đáp ứng được kỳ vọng của các Bộ, Ban ngành và Chính phủ. Vì vậy, ngày 18/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1907/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc sẽ bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 63.500 học sinh, sinh viên; diện tích sử dụng đất khoảng 1.113,7 ha, trong đó khu dự án ĐHQGHN là 887,9 ha; khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1 ha; khu tái định cư là 113,7 ha.

Tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng (đơn giá năm 2012, chưa bao gồm dự phòng và lãi vay). Thời gian thực hiện từ năm 2013 đến năm 2025, được phân kỳ thành 3 giai đoạn: Giai đoạn I (2013-2016), Giai đoạn II (2017-2020), Giai đoạn III (2021-2025).

Những máy móc thi công dự án năm xưa nay vẫn nằm

Những máy móc thi công dự án năm xưa nay vẫn nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt"

Tính đến thời điểm 2018: giải phóng mặt bằng mới được 877,45/1225,68 ha (đạt 71,5%); dự án tái định cư phân khu phía Bắc mới triển khai được cơ bản hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 35/113.7 ha (đạt 30,7%). Giai đoạn 2018-2020, ĐHQGHN ước thực hiện giá trị khối lượng xây lắp tại dự án khoảng 1000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Huy – Trưởng ban Xây dựng, ĐHQGHN thì những khó khăn lớn nhất trong việc tiếp tục triển khai dự án là khó khăn về GPMB và tái định cư. Hiện nay, còn nhiều hộ dân ra khỏi qui hoạch dự án do Dự án Tái định cư chưa hoàn thiện.

Thực tế cho thấy rất nhiều các công trình thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật (đường, trạm điện, cấp thoát nước,…) đều dở dang do không có mặt bằng sạch để thi công, không thể nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, việc triển khai thu hồi các khu đất thuộc Bộ Quốc phòng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả cho các đơn vị quân đội và chồng lấn ranh giới của các dự án được giao trong khu vực.

Cũng theo ông Huy, một khó khăn lớn nữa đối với dự án là vốn và khả năng kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách. Cụ thể, theo khái toán sơ bộ, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành dự án là 25.000 tỷ VN đồng (đơn giá năm 2013). Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách bố trí cho dự án lũy kế đến 2019 chỉ khoảng 2.000 tỉ đồng, đáp ứng chưa tới 10% kế hoạch vốn để triển khai.

Tình trạng chồng lấn quy hoạch, lấn chiếm trái phép đất thuộc quy hoạch dự án đang là vấn đề tồn tại lâu nay

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét nguồn đầu tư cho dự án để triển khai dứt điểm công tác GPMB, tái định cư. Đồng thời, triển khai đồng bộ các dự án đang dang dở về hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên một số công trình trọng điểm đối với dự án ĐHQG Hà Nội hiện nay. 

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển khu vực đô thị vệ tinh Hòa Lạc hiện nay, các dự án lân cận có những điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng mới sẽ tác động tới dự án ĐHQG Hà Nội. Do đó trong quá trình triển khai dự án tiếp theo cần phải rà soát điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với tổng thể.

Đồng thời, cần phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của các dự án thành phần để đáp ứng nhu cầu phát triển mới, khả năng bố trí nguồn lực, tăng cường khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa.