Sự xuất hiện của những dự án theo chuẩn đáng sống sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng tổ ấm, hình thành nên cộng đồng dân cư văn minh, nâng cao dân trí.
Khái niệm đô thị đáng sống bắt đầu được nhắc đến nhiều tại Việt Nam từ sau dấu ấn thay đổi của thành phố Đà Nẵng, chuyển mình từ một thành phố tỉnh lỵ (của tỉnh Quảng Nam) lên thành phố trực thuộc trung ương (năm 1996). Mô hình phát triển của Đà Nẵng đã làm dấy lên phong trào (tái) kiến tạo các đô thị hấp dẫn và đáng sống tại Việt Nam.
Quan điểm về đáng sống
Có nhiều quan điểm khác nhau để đánh giá tính hấp dẫn và đáng sống của một nơi chốn, tùy thuộc cấp độ, quy mô không gian của nơi chốn đó. Tùy theo mục tiêu phát triển đô thị mà các quan điểm này được chia thành 2 xu hướng:
Thứ nhất: Đánh giá hình thức nơi chốn - nghĩa là một nơi chốn hấp dẫn dựa trên các giá trị vật chất của nơi chốn, ví dụ như kiến trúc, không gian, giao thông, địa điểm, cảnh quan, môi trường... Cách đánh giá hình thức nơi chốn thường theo phương pháp định lượng, ví dụ liệt kê số lượng, thể loại các không gian, diện tích, công suất phục vụ... tương đối đơn giản do dựa trên việc kiểm đếm bằng thị giác tức thời.
Có thể bạn quan tâm
16:42, 05/06/2019
16:27, 05/06/2019
11:19, 17/05/2019
08:14, 16/05/2019
07:00, 16/05/2019
Thứ hai: Đánh giá nội dung nơi chốn - nghĩa là một nơi chốn hấp dẫn dựa trên các giá trị phi vật chất hay giá trị tinh thần của nơi chốn, ví dụ các hoạt động sống phong phú, cảm giác tích cực mang lại, cảm hứng phát sinh, sự vui vẻ, hạnh phúc, tự hào khi trải nghiệm các không gian vật chất...
Tuy nhiên, dù ở quy mô nào có thể nhận thấy một điểm chung giữa các dự án nhằm tăng tính hấp dẫn và đáng sống là xây dựng các cơ sở hạ tầng vật chất của dự án đầu tiên để thu hút cư dân; tiếp đến là các dịch vụ, hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu cư trú người sử dụng, mang đến sự hài lòng, cảm giác an cư cho các cư dân để họ gắn bó lâu dài và phản hồi tốt với dự án.
Các tiêu chí đánh giá
Jan Gehl - một kiến trúc sư Đan Mạch nổi tiếng về các nghiên cứu về tính hấp dẫn nơi chốn thông qua các giải pháp thực tế trong công tác cải tạo chất lượng không gian công cộng. Ông đã đưa ra bốn tiêu chí cơ bản nhất được tổng kết của một đô thị “đáng sống” gồm: Sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh. Tất cả đều gắn với hoạt động hàng ngày và những cảm xúc rất đời thường của con người, căn cứ trên các yếu tố định tính và định lượng.
Một đô thị tốt, theo Jan Gehl, phải khiến con người ham thích vận động (bằng cách đi bộ hoặc đạp xe đạp), khát khao trải nghiệm (qua rất nhiều hoạt động và hình thức nghệ thuật), với tỷ lệ thích hợp để mọi thứ thu gọn trong tầm mắt và tác động trực tiếp đến các giác quan, đem lại những cảm nhận đầy đủ.
Tại Việt Nam, các dự án nhà ở hiện nay luôn hướng đến sự đồng bộ giữa 3 yếu tố hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở, trong đó nếu xem nhà ở là điều kiện cần thì 2 yếu tố còn lại sẽ là các điều kiện đủ để kiến tạo môi trường cư trú hoàn chỉnh tại các dự án.
Ngoài ra, không gian công cộng, không gian giao thông của dự án cũng luôn được xem là một kiểu loại không gian quan trọng vì các không gian này là dành cho tất cả mọi người, tăng cường sự tương tác, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận, cảm giác của họ.
Các hạ tầng kỹ thuật như cấp nước sạch, thoát nước, tiêu úng ngập, cấp điện, thông tin liên lạc... là những nhu cầu thiết yếu phục vụ trực tiếp đời sống sinh hoạt của người dân.
Các điều kiện môi trường như mặt nước, dòng chảy, các không gian xanh, không khí trong lành, thu gom rác... sẽ làm tăng thêm chất lượng cảnh quan, hỗ trợ cho thẩm mỹ kiến trúc, điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường.
Các yếu tố phi vật chất sẽ là các điều kiện đủ nhằm hoàn thiện và duy trì tính hấp dẫn và đáng sống này, được thể hiện qua: Tính an ninh hay là “cảm thấy được bảo vệ” trong một môi trường sống trong sạch và lành mạnh.
Khi một nơi chốn nói chung hay một dự án nhà ở nói riêng được cảm nhận tốt thì sẽ tạo ra một tinh thần tích cực cho con người, và nếu tinh thần tích cực này đạt đến một mức độ hay một tỷ lệ nhất định thì nơi chốn hay dự án nhà ở đó sẽ trở nên hấp dẫn và đáng sống.